G-20 bất đồng về giải pháp kích thích nền kinh tế

G-20 bất đồng về giải pháp kích thích nền kinh tế
TP - Ngày 5/9 tại London, các bộ trưởng kinh tế của G-20 gồm bảy nước công nghiệp và các nước hàng đầu trong khối các quốc gia đang phát triển họp để đánh giá nền kinh tế thế giới sau hàng loạt gói kích thích đã áp dụng và để thảo luận những bước đi tiếp theo.
G-20 bất đồng về giải pháp kích thích nền kinh tế ảnh 1
Nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế G-20 - Ảnh: Xinhua

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Anh Gordon Brown kêu gọi các nhà lãnh đạo G-20 đưa ra những lời cam kết rõ ràng và mạnh mẽ đối với nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Gordon Brown nói rằng nền kinh tế thế giới hiện đang ở thời điểm quyết định của cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Anh cảnh báo rằng chưa nên thỏa mãn và tự tin quá mức trước các dấu hiệu về nền kinh tế đang phục hồi.

Nhật Bản, Đức, Pháp, Úc tất cả đều ghi nhận được có sự tăng trưởng kinh tế trong quý hai năm nay. Nền kinh tế Anh chắc phải hết quý ba mới được thấy các dấu hiệu tích cực.

Phát biểu trước các bộ trưởng kinh tế G-20 - nhóm quốc gia đóng góp tới 80 phần trăm tổng sản phẩm của nền kinh tế thế giới - Thủ tướng Anh Gordon Brown thúc giục G-20 cần phải nhất trí một kế hoạch rõ ràng, ưu tiên cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu để lấy lại được sự tăng trưởng. Ông cho rằng G-20 cần phải giúp đỡ các nước đạt được sự tăng trưởng bền vững liên tục đi lên.

G-20 gồm 19 nước: Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arập Xê út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ.

Thành viên thứ 20 của G-20 là Ngân hàng Trung ương châu Âu đại diện cho EU.

Ông Gordon Brown cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cuộc cải cách hệ thống ngân hàng, hạn chế tiền thưởng của ngân hàng. Ông kêu gọi các nước cần nỗ lực để các biện pháp trừng phạt đối với trường hợp trốn thuế được đưa ra áp dụng vào đầu năm tới.

Hội nghị các bộ trưởng kinh tế G-20 lần này có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung cho cuộc họp thượng đỉnh G-20 dự định sẽ được tổ chức tại Pittsburgh, Hoa Kỳ, vào cuối tháng 9.

Tại hội nghị, các bộ trưởng kinh tế G-20 chưa nhất trí được thời điểm của cái gọi là chiến lược lối ra sau khi đã áp dụng hàng loạt gói kích thích kinh tế nhằm kéo nền kinh tế toàn cầu thoát ra khỏi tình trạng suy thoái.

Tại hội nghị, đại diện Đức đề nghị G-20 bắt đầu thảo luận về việc khi nào và bằng cách nào các nước sẽ rút lại các khoản tiền đã dùng trong gói biện pháp kích thích kinh tế. Đề nghị này của Đức bị nhiều nước phản đối vì cho rằng việc rút về số tiền lớn bơm vào nền kinh tế thế giới đang ốm yếu quá sớm sẽ dẫn đến rủi ro đẩy nền kinh tế toàn cầu suy thoái gấp hai lần.

Phía Anh cho rằng việc cho là nay đã đến lúc để quyết định rút về số tiền kích thích kinh tế và đảo ngược các biện pháp mà G-20 đã thực hiện vừa qua là một sai lầm nghiêm trọng. 

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG