Gặp 'nước Nga' ở Roma

Gặp 'nước Nga' ở Roma
Lúc chầm chậm đi về phía Vatican, anh mới bảo tôi họ là người Ukraina đấy, không phải người Nga đâu. Nhưng với thế hệ họ thì nước Nga vẫn còn là một phần máu thịt.
Gặp 'nước Nga' ở Roma ảnh 1
Sinh viên VN đón Tết ở Pháp (người bên phải bìa ảnh là tác giả bài viết).

Roma ấm và nắng. Những ngày đầu năm, khi cả Châu Âu hãy còn co ro vì rét thì Roma đã chói chang, tuy trời vẫn chưa thật ấm, nhưng đã ngửi thấy mùi khí hậu Địa Trung Hải ngập cả thành phố.

Chúng tôi lang thang một ngày trời, nơi đâu cũng đông nghịt khách bộ hành. Metro ở Roma nhỏ, tối và bẩn chẳng kém gì Paris - thành phố có những bến metro bị kêu ca nhất Châu Âu, vì lượng khách du lịch khổng lồ khiến nhân viên vệ sinh không tài nào thu dọn xuể. Bus ở Roma thì còn tệ hơn nữa, bản đồ hướng dẫn sơ sài và rối như cuộn chỉ qua chân mèo.

Chúng tôi đành đi bộ. Một ngày dài đi bộ khắp thành Roma. Thêm được vài con phố là lại bớt được một thứ gì đó trên người. Bỏ áo khoác, bỏ khăn, bỏ áo len... Đến khi trên người chỉ còn chiếc sơmi mà mồ hôi vẫn vã ra, trời đã nhập nhoạng tối.

Chúng tôi tay áo tay khăn trên con đường nhỏ gần khu Vatican. Một gương mặt Bắc Phi hiện ra. Tất cả những gương mặt Bắc Phi đều na ná nhau, mà người ta gọi chung là Arab. Anh chàng Arab nhỏ thó, tóc loăn xoăn đen sì liến thoắng tiếng Anh lẫn cả âm Ý và âm Arab, đưa chúng tôi một tờ quảng cáo hàng ăn.

Tờ giấy nhỏ bằng nửa tờ A4, in chi chít hình món ăn, thành phần, giá tiền và các khoản khuyến mãi. Trời đã bắt đầu tối thì màn đêm sẽ rơi xuống rất nhanh. Địa chỉ nhà hàng ấy chỉ cách nơi chúng tôi đứng có một con phố. Vậy là đi. Anh chàng nhỏ bé dặn với theo: "Nhớ nói là Raul giới thiệu nhé!".

Chúng tôi bước vào cửa hàng không lớn cũng không nhỏ, nằm ngay con phố hướng về phía Vatican, một trong những nơi tập trung đông khách du lịch nhất của Roma. Một anh chàng to lớn tròn trịa đứng mở cửa, mỉm cười dễ chịu.

Trong cửa hàng là một cô gái tóc ngắn, tầm ngoài ba mươi, nhanh nhẹn đưa chúng tôi vào bàn, mở thực đơn, giới thiệu món ăn, rất đúng quy trình, không thừa một lời nào, một phút trống nào. Bỗng cô nhìn lên quyển hướng dẫn du lịch anh vừa đặt lên bàn.

Chúng tôi một người đọc được tiếng Pháp, một người đọc được tiếng Nga, tiếng Anh thì cả hai cùng dở, nên cuối cùng thống nhất là tới mỗi thành phố sẽ mua một quyển hướng dẫn du lịch hoặc bằng tiếng Pháp hoặc bằng tiếng Nga, cứ thế mà thay phiên nhau.

Cuốn về Roma và Vatican của anh bằng tiếng Nga, tôi nghe anh đọc. Cô gái tóc ngắn đứng sững nhìn quyển sách rồi cất tiếng Nga hỏi: "Anh là người Nga à?". Rồi không kịp để anh trả lời, cô chạy ra cửa, hét lên bằng tiếng Nga với anh chàng to béo đón chúng tôi lúc nãy: "Trời ơi, người Nga này, vào đây, họ là người Nga này!".

Có lẽ nước Nga quá rộng lớn, nên cô cứ ngỡ chúng tôi là người dân tộc thuộc vùng Nga phía Châu Á. Cả hai người chạy vào, vồn vã. Anh chàng tròn xoe lật đật đi lấy nước, cô gái ở lại liến thoắng đến mức chúng tôi không kịp nói câu gì.

Cô cứ nói chuyện với tôi mặc cho anh giải thích, tôi không biết câu nào ngoài "Xin chào!", "Tạm biệt!", "Cảm ơn!". Cô hỏi lại chúng tôi có thích vị trí bàn này không? Có muốn đổi bàn khác không? Có muốn lại gần phía bức tranh tường lớn để chụp ảnh không? Và rồi cô mang ra chiếc điều khiển TV bảo chúng tôi chọn kênh mà xem trong lúc chờ thức ăn.

Gặp 'nước Nga' ở Roma ảnh 2
Một di sản văn hoá ở Roma.

Có cảm tưởng như cuốn sách ấy đã thay áo mới cho những con người trong cửa hàng này. Họ khoác một chiếc áo khác, một chiếc áo thêu của dân tộc Nga, đi lại, cười nói, cả cửa hàng ngập tiếng Nga, cửa hàng cách Vatican vài trăm mét.

Cô đã làm việc ở đây 10 năm rồi. 10 năm, chưa từng về nước. Sau một hồi líu lo cô gái lại gần chúng tôi thì thầm: "Bây giờ thì phải nói nhỏ thôi vì chủ họ không thích nói tiếng Nga đâu, họ sẽ nghĩ là có điều gì giấu họ".

Cô gái đi đi lại lại, phục vụ chúng tôi tận tình như chủ nhà mời khách, và cả khi bê đồ cho bàn khác cô cũng ngoái lại nhìn chúng tôi, cười một cái. Không hiểu sao cảm giác ấy ấm áp vô cùng. Cho dù chúng tôi đã giải thích mình không phải người Nga, nhưng có lẽ chỉ cần tìm được người nói cùng thứ tiếng với mình thôi, cô đã hạnh phúc lắm rồi.

Cảm giác ấy có giống cảm giác của tôi khi đứng trong Đại sứ quán Nga ở Paris lúc xếp hàng chờ nộp hồ sơ xin visa, một người đàn ông nhìn tấm hộ chiếu màu xanh của tôi chợt cất tiếng Việt hỏi: "Cô là người Việt à?".

Một chút giật mình khi quanh bạn tất cả mọi người đều nói tiếng Pháp. "Vâng, bác cũng người Việt ạ?". "Không, tôi người gốc Campuchia, nhưng tôi từng ở Việt Nam mười năm trước khi sang đây".

Ông nói không sai một ngữ âm nào, cả cách dùng từ cũng chuẩn hơn phân nửa số Việt kiều tại Paris. Câu chuyện của chúng tôi kéo dài về Việt Nam, về Hà Nội, về những con phố thân quen. Ông thậm chí còn đi nhiều ở Việt Nam hơn tôi.

Cái cảm giác một người nước ngoài nói tiếng Việt chuẩn và nói về Việt Nam với đôi mắt anh ánh niềm vui, sao mà hạnh phúc! Khi bạn đứng trên một mảnh đất xa xôi, nghe tiếng nước mình, nghe về nước mình, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ấm áp trong lòng!

Chúng tôi cảm thấy bối rối trước sự quan tâm quá nhiệt tình của cô gái tóc ngắn và anh chàng to béo. Người nào người nấy đã trở lại việc của mình, đứng ở cửa chào khách và chạy bàn. Nhưng thỉnh thoảng họ lại đi ra đi vào, chỉ để nhìn chúng tôi, cười một nụ. Cảm giác thật ấm áp và thân thương. Nhất là lại vào một ngày đầu năm, ở một mảnh đất xa xôi. Cả bốn chúng tôi đều là những con người xa xứ, mới dễ dàng để hiểu nhau làm sao...

Chúng tôi ăn xong, cả ly kem khuyến mãi cũng hết. Anh nhắc đi nhắc lại là Raul đã giới thiệu chúng tôi đến đây, hy vọng anh chàng Arab đó sẽ được tính thêm phần trăm cho công sức làm việc của mình. Tôi cứ nấn ná mãi, khoác cái áo len, quàng cái khăn, đeo găng tay, làm gì cũng thật chậm.

Chả biết bao giờ chúng tôi mới trở lại hàng ăn bình thường, trang trí xuềnh xoàng bản chép những bức tranh nổi tiếng, không theo một gu thẩm mỹ nào này. Mới một tiếng trôi qua từ khi chúng tôi bước chân vào cửa hàng, mà sao cảm xúc đã thay đổi nhiều đến thế? Đã muốn nấn ná lại để nói thêm một câu nữa, cười thêm một nụ nữa với hai người phục vụ.

Rồi chúng tôi cũng đứng lên. Chào tạm biệt và ra về, bắt tay như những người thân thiết.

Theo Chu Thuỳ Anh
Lao động

MỚI - NÓNG