Gia đình các con tin Hàn Quốc: Tận cùng của nỗi đau...

Gia đình các con tin Hàn Quốc: Tận cùng của nỗi đau...
TPO - Kiệt sức, thiếu ngủ, lo lắng… - đó là những gì mà Ryu Haeng-sik đang phải trải qua. Tại khu ngoại ô ở Seoul, anh phải chăm sóc hai con gái nhỏ trong khi đợi chờ đợi tin tức về người vợ đang bị phiến quân Taliban bắt cóc tại Afghanistan.

Cùng với những thông tin rằng con tin thứ hai là Shim Sung-min đã bị Taliban hành quyết, sự căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt Ryu và những người thân khác của 23 con tin Hàn Quốc- trong đó có 18 người là phụ nữ.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Ryu buồn bã: ”Trái tim tôi đang bị xé nát. Tôi có cảm giác như mình đang sống trong địa ngục. Tôi cầu mong vụ bắt cóc tồi tệ này sẽ chấm dứt”.

Ryu tâm sự rằng Kim Ryun-young, vợ anh, là một người yêu thích việc dạy học cho trẻ con. Đó chính là lý do Kim cùng 22 tình nguyện viên khác từ nhà thờ Saemmul, ngoại ô Nam Seoul, lên đường tới Afghanistan.

Tại Seoul, gia đình của nạn nhân thứ hai Shim Sung-min đang trải qua những giây phút đau khổ cùng cực. Cha của Sung-min hồi tưởng: ”Con trai tôi hào hiệp và nhân hậu. Sung-min coi nguyên tắc trong cuộc đời là giúp đỡ những người nghèo khó và bệnh tật… Nó không bao giờ ngờ vực và chống cự ai. Sung-min luôn lạc quan và thân thiện”.

Anh trai của Shim cho biết vợ Sung-min đã suy sụp hoàn toàn khi nghe tin người chồng thân yêu đã bị Taliban giết hại.

Cha của Sung min không hiểu tại sao Taliban có thể gây ra một tội ác ghê tởm đến như vậy. “Tôi nghĩ chúng hành động như không phải con người”- ông nói.

Seong-min, phát ngôn viên cho các gia đình của con tin Hàn Quốc nói rằng, việc Taliban bắt giữ 23 người Hàn Quốc đã được lên kế hoạch chứ không phải một sự tình cờ.

Các nhà phân tích cho rằng Seoul sẽ khó có thể làm gì nhiều để phản ứng với Taliban- những kẻ bắt cóc đã đòi hỏi chính phủ Afghanistan phải trả tự do cho tù nhân của chúng để đổi lại sự tự do cho các con tin

Tính tới hôm nay (1/8), 2 tuần sau khi vụ bắt cóc diễn ra tại Nam Kabul, Taliban đã giết hại 2 con tin nam giới một cách dã manđe doạ sẽ tiếp tục giết thêm con tin thứ ba nếu đòi hỏi của chúng không được đáp ứng.

Các thành viên gia đình con tin Hàn Quốc với đôi mắt đỏ vì khóc và thiếu ngủ đã tập hợp bên nhau 12 ngày qua. Họ cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ những bữa ăn và theo dõi các chương trình thời sự trên truyền hình trong những căn phòng không cửa ở nhà thờ Saemmul, Bundang.

Seo Jeung-bae có hai người con- một nữ y tá và một thợ cắt tóc nam, đang nằm trong số những con tin bị Taliban bắt giữ. Seo cầu xin Taliban: ”Các con tôi không tới Afghanistan để chiến đấu. Bởi vậy, xin đừng để có thêm một sự hy sinh nào nữa. Tôi không thể cứu chúng. Hãy trả những đứa con cho tôi để tôi có thể ôm chúng trong vòng tay”.

Je Mi-Sook, người có anh trai đang bị bắt giữ tại Afghanistan, cho biết anh cô là một người đã dành phần lớn thời gian và tiền bạc cho các hoạt động từ thiện. “Thật đau lòng khi biết được những đòi hỏi của Taliban và việc bọn chúng đẩy mạng sống của những người vô tội vào thế hiểm nguy. Tất cả chúng ta đều là con người”- Je Mi-Sook bức xúc.

Trước khi bi kịch xảy ra, Hàn Quốc đã cố ngăn các nhóm truyền giáo nhà thờ theo phái Phúc Âm tới Afghnistan bởi lo ngại cho sự an toàn của họ.

Yêu cầu sự giúp đỡ từ Washington

Gia đình các con tin Hàn Quốc: Tận cùng của nỗi đau... ảnh 1
Gia đình của các con tin đang sống trong đau khổ, và luôn nuôi hy vọng người thân sẽ quay trở về. Ảnh: BBC

Hàn Quốc đã gửi một phái viên đặc biệt tới Kabul để tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến trong nước đề nghị kêu gọi Mỹ can thiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin này.

Kim Won-wung, một người làm luật cấp cao thuộc Đảng Uri phát biểu: ”Ảnh hưởng của Mỹ đối với chính phủ Afghanistan là thực sự quan trọng. Nó có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc trao đổi tù nhân Taliban và những công dân Hàn Quốc bị bắt cóc”.

Kim Jung-ja, mẹ của Lee Sun-young, một trong số 21 con tin đang bị giam giữ, khẩn khoản: ”Chúng tôi cầu xin sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng này sớm nhất trong khả năng. Đây không phải là vấn đề về tôn giáo, tư tưởng hoặc dân tộc. Đây là vấn đề giữa cái sống và cái chết, nơi tính mạng quý giá của các con tin đang lơ lửng trên dây”.

Choi Jin-tae, người đứng đầu Học viện nghiên cứu khủng bố Hàn Quốc lo ngại sẽ có một làn sóng phản ứng dữ dội chống Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Taliban đối xử ngày một tồi tệ với các con tin và người dân Hàn Quốc cảm thấy Washington không hành động một cách đầy đủ.

Trong hy vọng về một kết cục hòa bình,  Ryu Haeng-sik cho biết anh sẽ chờ đợi tại nhà thờ Saemmul cùng các gia đình con tin khác để cầu nguyện. “Chúng tôi là gia đình của họ (các con tin), bởi vậy chúng tôi không thể ngừng hy vọng”- Ryu nói.

Anh trai của mục sư Bae Shin-kyu- người đầu tiên bị Taliban sát hại, bày tỏ sự chia sẻ: ”Cha mẹ, cũng như người vợ góa của Bae đang dõi theo số phận của 21 con tin còn lại. Mục sư Bae chắc cũng đang cầu nguyện để họ có thể trở về nhà”.

V. Linh
Theo Reuters, AP, IHT

MỚI - NÓNG