Giải mã kho tên lửa đạn đạo cực khủng của Triều Tiên

Tên lửa Triều Tiên được phóng từ chiến hạm trong cuộc thử nghiệm hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Tên lửa Triều Tiên được phóng từ chiến hạm trong cuộc thử nghiệm hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng chúng vẫn tồn tại nhiều hạn chế nên chưa thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ.

Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, hôm qua công bố bản báo cáo với tiêu đề "Tương lai của Hệ thống Phân phối Hạt nhân Triều Tiên". Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng Triều Tiên đủ khả năng bắn tên lửa tới một số nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, chuyên gia không chắc chắn liệu tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng có thể vươn đến Mỹ hay không.

Không giống Iran với trọng tâm hiện nay là chương trình ngoại giao hạt nhân quốc tế, Triều Tiên đã tiến hành khá nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân. Các vụ phóng thử tên lửa mà nước này thực hiện đang đẩy tình hình an ninh trong khu vực đến bờ vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc xúc tiến các thỏa thuận liên quan đến giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên vẫn giậm chân tại chỗ càng khiến căng thẳng gia tăng, theo South China Morning Post.

Kỹ sư hàng không vũ trụ John Schilling và đồng nghiệp Henry Kan từ Đại học Johns Hopkins ước tính Bình Nhưỡng hiện có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo và một số ít máy bay ném bom hạng nhẹ trong kho vũ khí. Hầu hết những tên lửa này sử dụng công nghệ của Liên Xô cũ, có thể phóng tới các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, tiêu biểu là tên lửa Nodong có tầm bắn từ 1.200 đến 1.500 km và tên lửa Scud với phạm vi hoạt động từ 300 đến 600 km. Triều Tiên cũng có khả năng phóng một số lượng hạn chế tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong. Mẫu tên lửa này được cho là đủ sức vươn tới Mỹ.

Tuy nhiên, những khí tài quân sự trên "tượng trưng cho một tuyên bố chính trị hơn là thể hiện khả năng hoạt động thật sự" của kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên bởi chúng "tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng", báo cáo viết.

Đa phần chúng phải lắp đặt trên một bệ phóng cố định vì thế dễ bị tấn công phủ đầu. Ngoài ra, điểm yếu về công nghệ cũng là một trở ngại lớn.

Giải mã kho tên lửa đạn đạo cực khủng của Triều Tiên ảnh 1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nghiên cứu kế hoạch cho cuộc tập trận tên lửa với mục tiêu là các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Ảnh: EPA.

Một tư lệnh quân đội Mỹ phụ trách vấn đề an ninh nội địa lại khẳng định Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy họ có khả năng đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa KN-08 và bắn tới Mỹ", Đô đốc Bill Gortney thuộc Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), trao đổi với phóng viên tại trụ sở Bộ Quốc phòng.

Tên lửa KN-08 từng xuất hiện trong một buổi lễ diễu binh ở Triều Tiên. Theo một số nhà phân tích, chúng được phóng từ một phương tiện lưu động vì thế rất khó để giám sát thông qua vệ tinh. Hạn chế của KN-08 là chúng chỉ có thể nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn và di chuyển trên đường nhựa. Ngoài ra, hệ thống này cần khoảng một đến hai giờ để tiếp nhiên liệu trước khi bắn.

Theo tính toán của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, trụ sở ở Washington, Bình Nhưỡng đang sở hữu lượng vật liệu phân hạch đủ để sản xuất ít nhất 10 đầu vũ khí. Con số này sẽ tăng tới 20 hoặc 100 vào năm 2020.

"Triều Tiên đã xây dựng được một hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân tương đối phát triển. Thực tế này sẽ giúp họ trở thành một cường quốc hạt nhân nhỏ trong những năm sắp tới", chuyên gia đánh giá trong bản báo cáo.

Bất chấp một số tiến bộ đã đạt được, điển hình như vụ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo hồi năm 2012, Bình Nhưỡng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật, nhất là trong việc phát triển tên lửa liên lục địa có thể phóng tới Mỹ.

Giải mã kho tên lửa đạn đạo cực khủng của Triều Tiên ảnh 2

Tên lửa liên lục địa KN-08 của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

Theo bản báo cáo, để vượt qua những khó khăn về công nghệ, Triều Tiên cần đến sự hỗ trợ từ nước ngoài trong việc chế tạo, sản xuất các thiết bị tiên tiến như động cơ hiệu suất cao, lá chắn tầm nhiệt, hệ thống điện tử và động cơ sử dụng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng như hiện nay. Nhưng điều này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Triều Tiên bị nhiều nước cô lập, cấm vận, từ sau vụ thử hạt nhân đầu tiên hồi năm 2006.

Trọng tâm của Washington hiện nay trong chiến lược đối phó với chương trình hạt nhân Triều Tiên là tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt và chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG