Giải mật hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler

Điều gì khiến trùm phát xít Đức Adolf Hitler suy sụp sức khỏe tinh thần và thể chất trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ hai? Ngoài lý do Hitler đang bại trận, các sử gia cho rằng còn có nguyên nhân khác là vấn đề sức khỏe.

Ngày 21/4/1945, một bác sĩ tên là Ernst-Günther Schenck được triệu tới boongke của Hitler ở Berlin và được lệnh mang thực phẩm đến để tích trữ. Lúc đó, cuộc chiến của Đức đã thất bại, phần lớn đất nước đã nằm trong tay quân đồng minh. Binh sĩ Liên Xô đã gần như bao vây hoàn toàn Berlin và đang tiến vào trung tâm thành phố. Thay vì chạy trốn, Hitler đã quyết định cố thủ lần cuối trong boongke tại trung tâm Berlin.

Giống như mọi người Đức, bác sĩ Schenck đã quá quen thuộc với các bức ảnh, phim và áp phích tuyên truyền về Hitler kể từ khi hắn cầm quyền năm 1933. Tuy nhiên, người đàn ông mà ông nhìn thấy trong boongke không giống với người trong các bức ảnh đó. Ông Schenck nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 1985: “Hitler 56 tuổi là một cái xác sống, một linh hồn đã chết. Xương sống ông ta còng xuống, xương vai nhô ra từ lưng, ông ta rụt vai như một con rùa… Tôi đang nhìn vào mắt của cái chết”.

Giải mật hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler ảnh 1

Bác sĩ Ernst-Günther Schenck.

Cách Hitler đi lại trong boongke thậm chí còn gây sốc hơn. Hắn đi với dáng vẻ chậm chạp, lê bước như một người già hơn hắn 30 tuổi và phải kéo lê chân trái khi bước đi. Hắn không thể bước nổi quá vài bước nếu không vịn vào một thứ gì đó.

Đầu, cánh tay và toàn bộ nửa trái của Hitler run rẩy và co giật không thể kiểm soát. Hắn không còn có thể viết tên mình, hắn ký các giấy tờ quan trọng bằng con dấu. Hắn lúc nào cũng nhất quyết tự cạo râu cho mình nhưng hai bàn tay run rẩy khiến hắn không thể. Hắn không thể đưa thức ăn vào mồm mà không làm rơi rớt lên quần áo. Hắn không thể ngồi xuống mà không có ai giúp đỡ. Sau khi hắn đi tới bàn, một phụ tá phải đẩy ghế cho hắn và hắn ngồi phịch xuống.

Thể trạng tâm thần của Hitler cũng tồi tệ. Hắn suy nghĩ luẩn quẩn. Trí nhớ giảm sút. Hắn liên tục lên cơn giận dữ, đặc biệt là khi nghĩ tới cảnh Đức sắp bại trận, hắn la hét không kiểm soát trong nhiều giờ liền.

Giải mật hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler ảnh 2

Một bữa tối trong boongke của Hilter và các vị khách.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bác sĩ Schenck đã mất cả một thập kỷ trong các trại tù nhân của Liên Xô, nhưng ông không bao giờ quên được những gì đã nhìn thấy tại boongke của Hitler. Sau khi được thả, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu bệnh án của Hitler để tìm hiểu xem chuyện gì đã khiến sức khỏe nhà độc tài suy kiệt nhanh đến thế trong những năm tháng cuối đời.

Bác sĩ Schenck không đơn độc trong nỗ lực này. Hơn 60 năm kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, nhiều sử gia, bác sĩ đã đặt ra câu hỏi tương tự: Cái gì khiến Hitler suy sụp, có phải là bệnh Parkinson hay là giang mai? Vô số giả thiết đã được đưa ra để giải thích về việc sức khỏe thể chất và tâm thần của Hitler xuống dốc quá nhanh. Dù mất công như vậy nhưng các chuyên gia vẫn chưa nhất trí với nhau.

Giải mật hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler ảnh 3

Ở ngoài, Hilter không khỏe mạnh như trong ảnh tuyên truyền.

Một trong những giả thiết kỳ lạ nhất được chính các bác sĩ riêng của Hitler đưa ra tháng 7/1944. Quá trình chẩn đoán là tình cờ sau khi chuyên gia tai mũi họng tên là Erwin Giesing vô tình nhìn thấy 6 viên thuốc màu đen bé xíu (thuốc chống đầy hơi của bác sĩ Koester) trên khay đồ ăn sáng của Hitler gồm cháo, bánh mỳ và nước cam. Sau khi nhìn thấy thuốc, bác sĩ Giesing đã làm một điều mà bác sĩ riêng của Hilter là ông Theodor Morell không bao giờ dám làm. Ông Giesing đã kiểm tra hộp đựng mấy viên thuốc và đọc nhãn để xem nó là thuốc gì. Ông đã ngạc nhiên trước những gì đọc được. Ông ngờ rằng Hitler đang bị chính những viên thuốc chữa chứng trướng bụng đầu độc.

Hitler đã gặp các vấn đề về tiêu hóa trong cả cuộc đời. Từ bé, hắn dễ bị đau quặn bụng khi tâm trạng chán nản. Khi hắn bước sang tuổi 40, hắn bị chuột rút thường xuyên hơn, thường đi kèm với các cơn “xì hơi” dữ dội và lúc thì táo bón, lúc thì tiêu chảy.

Việc xì hơi nhiều là một trong những lý do khiến Hitler có vẻ trở thành người ăn chay đầu những năm 1930. Hắn không tin bác sĩ nên thay vì nhờ họ thăm khám bệnh tật thì hắn lại tự chữa cho mình bằng cách loại bỏ thức ăn là thịt, thức ăn giàu năng lượng, sữa và bơ ra khỏi bữa ăn. Thay vào đó, hắn ăn rau sống hoặc chín cùng ngũ cốc.

Tăng chất xơ trong bữa ăn không giúp cải thiện tình hình cho Hitler, thậm chí còn khiến hắn bị đầy hơi hơn trước. Giữa những năm 1930, Hilter trở thành người đứng đầu nước Đức và vẫn xì hơi dữ dội. Cơn xì hơi nghiêm trọng nhất là lúc ngay sau bữa ăn, trong các bữa tiệc tối. Điều đó khiến hắn đột ngột bật dậy khỏi bàn ăn và biến ngay vào phòng riêng, để cho các vị khách ngơ ngác không hiểu tại sao hắn lại đi và bao giờ quay lại. Nhiều lần, hắn đã không quay lại bàn ăn.

Năm 1936, Hitler tình cờ gặp bác sĩ Morell tại một bữa tiệc Giáng sinh. Sau khi kéo bác sĩ ra một góc, Hitler đã thổ lộ các vấn đề sức khỏe, nói kỹ về căn bệnh đường ruột và chứng bệnh eczema khiến hắn ngứa ngáy, da ống chân sưng tấy, đau đến mức không thể đi bốt. Giờ đây, hắn đã ngừng tự chữa trị và cho các bác sĩ giỏi nhất Đức kiểm tra. Họ đưa ra một chế độ ăn gồm trà và bánh mỳ nướng nhưng những đồ ăn này khiến hắn cảm thấy yếu ớt và kiệt sức. Bác sĩ Morell lắng nghe chăm chú và sau đó hứa chữa cả hai bệnh trong vòng một năm. Hitler quyết định theo bác sĩ Morell mà không thực sự biết Morell là bác sĩ như thế nào.

(Còn tiếp)

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG