Giáo hoàng gặp các đại sứ Hồi giáo

Giáo hoàng gặp các đại sứ Hồi giáo
TPO - Chiều 25/9, người đứng đầu Vatican đã tiếp các đại sứ Hồi giáo, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có đối thoại liên tôn giáo. Đây là nỗ lực mới nhất của giáo hoàng nhằm tháo ngòi căng thẳng trong thế giới đạo Hồi sau phát ngôn của ông.
Giáo hoàng gặp các đại sứ Hồi giáo ảnh 1

Giáo hoàng Benedict XVI trong buổi tiếp (BBC)

Cuộc gặp giữa giáo hoàng với các đại sứ Hồi giáo diễn ra trong 30 phút tại dinh thự Castel Gandolfo, nơi ở riêng của ông nằm tại ngoại ô Rome. Đại sứ của 21 nước và một đại diện của Liên đoàn Ảrập đã tham dự sự kiện đặc biệt này.

Giáo hoàng Benedict XVI bày tỏ "sự tôn trọng sâu sắc và toàn diện" đối với đức tin của các tín đồ đạo Hồi. Ông cho rằng, tương lai của Thiên chúa giáo và Hồi giáo phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các tín đồ và đối thoại giữa hai đức tin.

Người đứng đầu toà thánh có một bài phát biểu ngắn, trong đó có đoạn: "Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh sự tôn trọng sâu sắc và toàn diện của mình đối với tất cả các tín đồ Hồi giáo". Ông khẳng định cả Thiên chúa giáo lẫn Hồi giáo đều giống nhau ở một điểm là phải tránh xa mọi hình thức bạo lực.

Giáo hoàng cũng đề cập đến sự cần thiết phải có đối thoại liên tôn giáo cũng như giữa các nền văn hoá. Đáp lại, Đại sứ Iraq Albert Yelda khẳng định đã đến lúc phải "để những gì xảy ra lại phía sau và xây dựng những cây cầu hiểu biết lẫn nhau".

Sau bài phát biểu, giáo hoàng lần lượt bắt tay thăm hỏi từng người tham dự cuộc gặp. Cùng tham gia buổi tiếp với ông còn có Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về đối thoại liên tôn giáo, Hồng y Paul Poupard và đại diện cộng đồng Hồi giáo ở Italy.

Hồng y Poupard đánh giá cuộc gặp  là "một tín hiệu cho thấy lời kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo và văn hoá của giáo hoàng đã được hưởng ứng rộng rãi".

Còn ông Yahya Pallavicini, phó chủ tịch một trong những tổ chức Hồi giáo chính ở Italy là IRC bày tỏ, ông hy vọng cuộc gặp sẽ là "điểm xuất phát cho một viễn cảnh mới, trong đó có sự đội thoại giữa các đức tin bằng sự hiểu biết lẫn nhau của các nhà lãnh đạo và học giả Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo".

Trước đó, người Hồi giáo khắp nơi đã phẫn nộ vì một bài phát biểu của Giáo hoàng Benedict XVI vì đụng chạm tới nhà tiên tri Muhammad và cuộc thánh chiến của họ. Nhưng giáo hoàng khẳng định, bài phát biểu của ông tại Đại học Regensburg Đức trích dẫn lời Hoàng đế Byzantine Manuel II Paleologos hồi thế kỷ 14 không hề phản ánh quan điểm của cá nhân ông.

MỚI - NÓNG