Giáo hoàng kêu gọi thế giới ngừng xung đột để chống dịch

Đức Giáo hoàng Francis trong lễ ban phước “Urbi et Orbi”, thường chỉ được thực hiện trong dịp Giáng sinh và Phục sinh, tại Quảng trường Thánh, Vatican, ngày 27/3 ảnh: Getty
Đức Giáo hoàng Francis trong lễ ban phước “Urbi et Orbi”, thường chỉ được thực hiện trong dịp Giáng sinh và Phục sinh, tại Quảng trường Thánh, Vatican, ngày 27/3 ảnh: Getty
TP - Giáo hoàng Francis hôm Chủ nhật ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, về việc ngừng bắn toàn cầu để thế giới có thể tập trung chống lại đại dịch COVID-19.

Phát biểu trong buổi chúc phúc hằng tuần từ thư viện chính thức của Giáo hoàng thay vì Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Đức Francis đề cập cụ thể lời kêu gọi mà ông Guterres đưa ra trong một cuộc họp báo trực tuyến. Nói rằng bệnh tật không có biên giới, Giáo hoàng kêu gọi mọi người ngăn chặn mọi hình thức thù địch, hiếu chiến và ủng hộ việc tạo ra các hành lang để giúp đỡ nhân đạo, nỗ lực ngoại giao và chú ý đến những người dễ bị tổn thương.

Theo một thống kê của Reuters, hơn 662.700 người đã nhiễm coronavirus mới trên toàn thế giới và 30.751 người đã chết. Khoảng một phần ba số ca tử vong xảy ra ở Italy, vượt qua con số 10.000 vào thứ Bảy. Các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở Italy đã ở mức 92.472, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Tòa thánh Vatican, được bao quanh bởi thủ đô Rome của Ý, đã có sáu trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận vào ngày thứ Bảy. Người phát ngôn Tòa thánh Matteo Bruni cho biết, các xét nghiệm đã được tiến hành sau khi một linh mục cư trú trong khu nhà của Giáo hoàng có kết quả dương tính. Ông Bruni cho biết, Giáo hoàng và các phụ tá thân cận của ông không mắc bệnh.

Những ảnh hưởng xã hội của đại dịch đã được so sánh với các giai đoạn đau thương của nhân loại như Thế chiến thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc đã cố gắng hòa giải, chấm dứt xung đột ở nhiều quốc gia bao gồm Syria, Yemen và Libya, đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu dân thường.

Ông Guterres cảnh báo, tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, hệ thống y tế đã sụp đổ và một số lượng nhỏ các chuyên gia y tế còn lại thường là mục tiêu trong các cuộc đụng độ.

Trong bài phát biểu hôm Chủ nhật, Giáo hoàng Francis kêu gọi các nhà chức trách nhạy cảm với các vấn đề liên quan coronavirus phát sinh trong các nhà tù trên khắp thế giới, nhiều nơi trong số này là quá đông. Ông nói rằng, tình cảnh tại các nhà tù có thể trở thành bi kịch. Các tù nhân đã gây náo loạn ở một số quốc gia, bao gồm cả Italy, nơi có ít nhất sáu tù nhân chết hồi đầu tháng. Hôm qua, các tù nhân gây náo loạn tại một nhà tù ở đông bắc Thái Lan.

Một số quốc gia, bao gồm Đức, Sudan và Iran, đã thả tù nhân để giảm căng thẳng đối với hệ thống nhà tù.           

MỚI - NÓNG