Giáo hoàng ngẫu hứng, phóng viên mệt nhoài

Giáo hoàng ngẫu hứng, phóng viên mệt nhoài
TP - Hằng ngày, 400 nhân viên (đến từ 60 nước) của Radio Vatican phải dịch những lời nói của Giáo hoàng ra 44 thứ tiếng. Theo nhiều nhà báo làm việc cho đài phát thanh này, Giáo hoàng Francis khiến họ vất vả hơn vì ông nói ngẫu hứng hơn người tiền nhiệm, nhưng cũng vui vẻ, hài hước hơn.

> Giáo hoàng Francis là Nhân vật của năm 2013
> Giáo hoàng có thể bị mafia trả thù

Hồng y Jorge Mario Bergoglio (76 tuổi, người Argentina) được bầu làm Giáo hoàng trong cuộc mật nghị tại Vatican ngày 13/3, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI. Kể từ đó, nhiệm vụ của các nhà báo làm việc cho Radio Vatican thêm phần nặng nề.

Thứ 4 hằng tuần, Giáo hoàng có buổi tiếp kiến chung dành cho dân chúng. Giáo hoàng Francis được đưa đến Quảng trường Thánh Peter lúc 9h30, sớm hơn một giờ so với người tiền nhiệm Benedict.

Mỗi từ nặng tựa Thái Sơn

Cách chỗ đứng của Giáo hoàng không đầy 500m, Anne Preckel, nữ phóng viên của Radio Vatican, ngồi trước màn hình TV xem truyền hình trực tiếp. Preckel (34 tuổi, đến từ vùng Westphalia của Đức) chịu trách nhiệm phát tin vào thứ Tư này. Preckel ở Rome đã được 5 năm.

Máy tính của cô được đặt trên một chồng sách, cuốn dày nhất có tựa đề “Thuyết giáo ở Đông Đức”. Buổi thuyết giáo bắt đầu, người đứng đầu Tòa thánh nói bằng tiếng Ý, Preckel chăm chú lắng nghe. Giáo hoàng Francis nói về tầm quan trọng của việc xưng tội. Giáo hoàng nói rằng, ông cũng xưng tội và ông cũng là người có tội. Lĩnh vực này quen thuộc với Preckel, nên cô không phải căng tai, đau đầu, nhức óc.

Sau đó, Giáo hoàng Francis nhìn vào đám đông, giọng ông sôi nổi dần. Ông đặt câu hỏi và ứng biến với thính giả. Đối với Preckel, lúc này, công việc của cô trở nên nguy hiểm, vì Giáo hoàng Francis rất thích phát biểu tự nhiên, không chuẩn bị trước.

Tại thời điểm này, mỗi từ đều có sức nặng riêng. Một câu trích dẫn mà không có ngữ cảnh có thể gây những hậu quả khôn lường. Giống như trường hợp năm 2006, khi Giáo hoàng Benedict XVI phát biểu tại thành phố Regensburg của Đức.

Một câu của ông bị dịch không rõ ngữ cảnh thành ra có nội dung phê phán đạo Hồi. Một lời nhận xét ngẫu hứng cũng có thể gây náo động. Hồi tháng 7, sau khi thăm Brazil trở về, Giáo hoàng Francis nói với các đồng nghiệp của Preckel về đồng tính nam, tài chính và phụ nữ trong nhà thờ.

Ngày ngày, các nhân viên của Radio Vatican dịch phát biểu của Giáo hoàng ra 44 thứ tiếng và phát đi khắp thế giới trên 39 chương trình phát thanh khác nhau. Họ đều sợ một điều là không biết tiếp theo Giáo hoàng sẽ nói gì.

Giáo hoàng thích dùng động từ mạnh

“Giáo hoàng Francis sáng nào cũng có bài thuyết giảng. Ông thích nói đùa… Đôi lúc, chúng tôi toát mồ hôi vì chúng tôi phải nghĩ về những thứ như: Nếu dịch sang tiếng phổ thông Trung Quốc, chuyện đùa này có nghĩa không? Bản dịch sang tiếng Swahili có chuẩn không? Liệu người Senegal có hiểu không?”, sếp của Preckel, linh mục Andrzej Koprowski, nói. Koprowski, Giám đốc chương trình của Radio Vatican, nói tiếng Ý bằng giọng Ba Lan.

Cựu Giáo hoàng John Paul II đưa ông tới Rome vào năm 1983. Vào thời điểm đó, ông là người dịch những nội dung mang tính chính luận, những sự thay đổi mạnh mẽ, kiểu như phong trào đoàn kết của Ba Lan, cải tổ kinh tế-chính trị ở Nga, sự sụp đổ của Bức tường Berlin… Giờ đây, Koprowski bận rộn với những cuộc cách mạng của Giáo hoàng Francis.

Francis là Giáo hoàng của những động từ mạnh, một tờ báo của Milan kết luận sau khi phân tích các bài phát biểu trong 7 tháng đầu tiên ông nhậm chức. Ba từ hiếm khi xuất hiện trong những lần nói chuyện của Giáo hoàng là “trừng phạt”, “kỷ luật” và “quyền lực”.

Hài hước hơn Giáo hoàng Benedict?

“Giáo hoàng Francis khiến chúng tôi phải làm việc vất vả hơn người tiền nhiệm, nhưng ông cũng khôi hài hơn”, Preckel nói. Nhân viên Radio Vatican không chỉ đơn thuần dịch các lời nói của Giáo hoàng. Họ cũng phải chọn lọc, phân loại và phiên dịch. Những việc này nặng nhọc hơn dưới thời Giáo hoàng Francis.

Phương cách xử lý các lời nói của Giáo hoàng và đưa chúng đến với tín đồ sùng đạo là rất khác nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, nhiều con chiên nghe bài phát biểu của Giáo hoàng trong tĩnh lặng, trong khi các chương trình châu Phi kèm theo rất nhiều nhạc. Các chương trình tiếng Đức, Pháp và Ba Lan được đánh giá là đặc biệt tự do và phức tạp.

Hôm thứ Tư này, thính giả của Giáo hoàng Francis ngồi nghe đến tận trưa. Giáo hoàng ngắm các bức tranh mà bọn trẻ vẽ một người đàn ông mặc áo choàng trắng”.

“Người đàn ông xấu xí này là ai vậy?”, Giáo hoàng hỏi. Lũ trẻ kêu lên: “Ông đấy!”. Thậm chí những lời như vậy cũng được ghi lại và lưu trữ. Mọi lời Giáo hoàng thốt ra được lưu tại một hành lang bí mật giữa Vatican và tòa nhà Castel Sant’Angelo (Bảo tàng Hadrian ở Rome). Các nhân viên Radio Vatican nói đùa rằng, nếu Giáo hoàng cứ nói chuyện kiểu như hiện nay, họ sẽ sớm hết chỗ lưu trữ.

Nhà báo Preckel đang nghe Giáo hoàng Francis thuyết giảng: “Đừng ngại thú nhận tội lỗi của mình. Đỏ mặt một lần còn hơn xanh mặt hàng nghìn lần”. Nữ phóng viên cười, nụ cười đầu tiên trong buổi sáng nay.

Thái An
Theo Der Spiegel

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG