Giết mẹ vì “lòng nhân từ”

Giết mẹ vì “lòng nhân từ”
TP - Ngay cả những cảnh sát lão luyện nhất cũng phải kinh ngạc và rùng mình khi một người đàn ông Hungary  tên là Sz. László khai rằng ông ta đã bóp cổ bà mẹ 85 tuổi vì “lòng nhân từ” bởi  chính bà đã yêu cầu giúp bà được chết.
Giết mẹ vì “lòng nhân từ” ảnh 1
Sz. László và con gái, hai nhân vật trong tấn thảm kịch xảy ra tại Budapest

Theo tin của nhật báo Bors, hạ tuần tháng 6/2009, một người đàn ông tên là Sz. László đã đến đồn cảnh sát đầu thú.  ”Tôi đã giết mẹ tôi”, đó là câu nói đầu tiên của ông ta với người sĩ quan trực.

Tại một căn hộ thuê ở phố Vahot (Quận 11, Budapest), cảnh sát Hungary tìm thấy một tử thi nằm trong một chiếc hòm gỗ. Thi thể đã ở đó khá lâu vì cư dân trong khu nhà phàn nàn rằng từ nhiều ngày qua, có một mùi khó chịu lan ra trong tòa nhà mà không ai biết rõ nguyên do.

Kể về những gì đã xảy ra, Sz. László cho biết, mẹ ông, khi lâm bệnh hiểm nghèo không còn cách chữa, đã van nài ông giúp để bà có thể ra đi. Thoạt tiên, họ đã dùng thuốc ngủ nhưng không thành.

Bà mẹ chỉ ngất xỉu đi, chứ không chết. Khi đó, László quyết định bóp cổ mẹ và dùng bao ni-lông bọc kín tử thi rồi đặt vào một chiếc hòm khá nhỏ, đã được chuẩn bị sẵn.

Trong lịch sử hình sự Hungary, đây không phải là lần đầu tiên một kẻ giết người viện cớ đương sự thực hiện “cái chết nhân đạo”. Năm 1993, B. Gyorgyi đã giết con gái 11 tuổi một cách chủ đích: thoạt tiên, cô ta vứt chiếc máy sấy tóc vào bồn tắm và sau đó, khi thấy điện không đủ để giật chết con gái, cô ta lấy khăn tắm thắt cổ đứa trẻ tội nghiệp, vào lúc ấy đã mắc chứng bệnh nan y vô phương cứu chữa.Cuối cùng, bản án tù giảm 2 năm dành cho B. Gyorgyi đã được tổng thống Hungary giảm nhẹ, thành án tù treo.

Sz. László không trả lời được câu hỏi tại sao ông ta lại giấu xác mẹ trong nhà trong vòng 4 ngày. Sau đó, ông ta gọi điện cho con gái, nói rằng: “bà đang hấp hối”. Khi cô con gái về tới nhà, Sz. László bảo “bà đã qua đời” và đã được mang đi. Như thế, cô con gái ở trong căn hộ 4 ngày mà không hề biết, ở phòng bên có tử thi của người bà đã bị bóp cổ tới chết.

Trả lời câu hỏi của báo giới, nhà tâm lý học hình sự Végh József cho rằng: “Bốn ngày trôi qua mới đủ để Sz. László ý thức được điều gì đã xảy ra, và ông ta đã phải trực diện với hành động bất thường của mình”.

“Luật pháp lên án hành vi giết người, nhưng luật coi là một tình tiết giảm nhẹ, nếu ai đó giết người xuất phát từ lòng nhân từ, chứ  không phải vì trả thù hoặc giận dữ”, luật sư Szikinger István, một chuyên gia hàng đầu về Luật Hình sự của Hungary nhận định.

“Nếu quả thực đây là trường hợp „cái chết nhân đạo thì cần phải có một bằng chứng nào đó”, ông Végh József nói. Bằng chứng đó, có thể là cuộn băng video do chính tay Sz. László thực hiện.

Tuy nhiên, ông ta đã quay một phần “cuộc hành quyết”, không phải để chứng tỏ “cái lý” của mình, mà là vì “gia đình chúng tôi có tập quán ghi lại một sự kiện”, như lời ông ta thổ lộ.

Trước mắt, Sở Cảnh sát Budapest chưa công bố nội dung cuộn băng, cũng như những thông tin mà họ đã tìm được trong quá trình điều tra. Nhật báo “Bors” đã tìm gặp người vợ  ly thân của Sz. László, tuy nhiên bà không muốn trả lời phỏng vấn và chỉ nói đó là tấn thảm kịch khiến gia đình bà hết sức khổ tâm. Láng giềng của Sz. László thì cho hay: họ rất ít khi gặp bà cụ 85 tuổi, chỉ biết cụ rất gày gò và bị bệnh tật hành hạ.

Trần Lê
Theo Bors

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.