Giới học giả châu Á ủng hộ Mỹ đóng vai trò chính ở khu vực

Giới học giả châu Á ủng hộ Mỹ đóng vai trò chính ở khu vực
TP - Theo kết quả khảo sát mới đây, giới học giả ở hầu hết các nước châu Á ủng hộ Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ, chính yếu ở khu vực, cho dù Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành cường quốc giữ vai trò thống trị.

Theo cuộc khảo sát được thực hiện với các chuyên gia, những người không làm việc trong chính phủ nhưng được coi là có ảnh hưởng ở 11 nước châu Á, hầu hết các nước, ngoại trừ Trung Quốc, đều ủng hộ mạnh mẽ chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington thực hiện cũng cho thấy, phần lớn các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn lên. Nhưng khi được hỏi điều gì là tốt nhất cho quốc gia hoặc vùng lãnh thổ của họ, phần lớn những người được hỏi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều lựa chọn Mỹ giữ vai trò lãnh đạo, ngay cả khi quyền lực của Washington đang giảm tương đối.

Trong khi quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi, Nhật Bản là nước sốt sắng nhất về vị trí thống trị của Mỹ. Chỉ có 2% chuyên gia Nhật Bản nói rằng, Trung Quốc đóng vai trò tích cực cho an ninh khu vực, còn 83% mong đợi đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản trong thập kỷ tới sẽ là Mỹ, cho dù Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của xứ sở hoa anh đào.

Tương tự với Ấn Độ, phần lớn chuyên gia nước này mong đợi Mỹ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của họ, thay vì Trung Quốc. Chỉ có 9% chuyên gia Ấn Độ, nước vướng phải tranh chấp biên giới nhiều năm qua với Trung Quốc, cho rằng, Bắc Kinh có tác động tích cực đến an ninh khu vực.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á mong muốn “sự hiện diện lặng lẽ và liên tục” của Mỹ ở khu vực, ông Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm, nói.

Các nước Đông Nam Á đánh giá cao sự cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm tự do hàng hải trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước khu vực ngày càng leo thang, nhưng “họ không thực sự muốn chứng kiến sự đối đầu và xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Glaser nói tại buổi công bố kết quả khảo sát.

Một kết quả bất ngờ của cuộc khảo sát lại đến từ chính Trung Quốc, với 71% giới tinh hoa của nước này dự đoán Mỹ sẽ trở thành cường quốc thống trị ở Đông Á vào năm 2024, trong khi không có nhiều người Mỹ đến như thế tin vào điều này.

Theo ông Christopher Johnson, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm và là cựu chuyên gia Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kết quả khảo sát phản ánh một sự dịch chuyển từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi đó nhiều người Trung Quốc dự đoán Mỹ sẽ xuống dốc, đồng thời cho thấy mối nghi ngờ ngày càng tăng ở ngay trong nội bộ Trung Quốc về khả năng nước này có thể tăng trưởng bền vững.

Một kết quả đáng chú ý khác đến từ Thái Lan - nước đồng minh lâu đời của Mỹ. Có đến 89% chuyên gia Thái Lan tin rằng, Trung Quốc sẽ có quyền lực lớn nhất ở Đông Á trong 10 năm tới, trong khi chưa đến 10% người trả lời nói rằng, nếu Mỹ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo thì sẽ có lợi nhất cho Thái Lan. Quan điểm này khác biệt rõ rệt so với các nước đồng minh khác của Mỹ.

Ernie Bower, Chủ tịch Ban nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm, cho rằng, thái đội của tầng lớp trí thức Thái Lan phản ánh sự thất vọng trước phản ứng của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và sự trừng phạt ngắn hạn của Mỹ đối với Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra thông cáo báo chí nói rằng, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ tới Myanmar để thảo luận với ASEAN và các nước đối tác về các vấn đề song phương và khu vực cùng quan tâm. Ông Russel cũng sẽ gặp các quan chức Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ chương trình “Đối thoại chiến lược ba bên”, đồng chủ trì Đối thoại Mỹ - ASEAN…

MỚI - NÓNG