Guam: Thân phận thuộc địa bị lãng quên

Guam là điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển cát trắng. Ảnh: Getty Images.
Guam là điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển cát trắng. Ảnh: Getty Images.
TP - Hòn đảo thuộc địa nơi 160.000 người Mỹ sinh sống dù rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm vẫn thường bị lãng quên, ngay cả sau khi Triều Tiên dọa sẽ phóng tên lửa hạt nhân đến đảo này.

"Tổng số người Mỹ bị ảnh hưởng: 3.831”. Kênh Fox News của Mỹ tuần này phát sóng một đoạn phim nói về những người sẽ bị ảnh hưởng nếu Triều Tiên phóng tên lửa đến Guam. Có hơn 160.000 người Mỹ sống trên lãnh thổ Guam, nhưng Fox News chỉ đếm 3.831 quân nhân đang đóng tại 2 căn cứ quân sự ở đây.

Đoạn phim của Fox News sau đó được cập nhật, nói rằng 3.831 người là số quân nhân đang làm nhiệm vụ. Nhưng còn những người khác thì sao? Hãng thông tấn Mỹ AP có một bài viết từ phóng viên tại Bình Nhưỡng với tựa đề: “Mỹ có nên bắn hạ tên lửa của ông Kim?”, trong đó nêu ra những thiệt hơn của việc bảo vệ Guam trước tên lửa Triều Tiên. Bài viết này ban đầu chỉ nêu “7.000 lính Mỹ” sẽ bị ảnh hưởng, nhưng sau đó được sửa thành con số toàn bộ dân trên đảo.

Rất nhiều người hỏi: “Guam là gì?”, nhưng không ai hỏi: “Guam là ai?”. Guam là quốc gia của người Chamorro, những người bản địa có nền văn hóa đã bị tàn phá và biến mất trong quá trình gần 400 năm thuộc địa, từ Tây Ban Nha đến Mỹ, Nhật rồi lại Mỹ.

“Chúng tôi sinh sống trên mảnh đất này đã hàng nghìn năm trước khi bất kỳ nước nào đến… Mảnh đất này là trung tâm của hầu hết các nền văn hóa bản địa, một khía cạnh quan trọng thường bị thực dân xem thường”, bà Toni Marie Brooks, một người con lai có mẹ là người Chamorro với một cựu lính không quân Mỹ, nói. “Ngay cả khi không nghĩ về điều đó thì cũng đã có thành kiến khi nhìn vào người dân ở đây vì họ chỉ tập trung vào các quân nhân”, bà Brooks nói.

Là một người Chamorro bản địa, luật sư Zachary Taimanglo cho biết lớn lên ở Guam nghĩa là những người như ông phải nghe nhiều đe dọa từ Triều Tiên. “Đừng nhìn vào đèn flash hay quả cầu lửa, chúng có thể khiến bạn mù? Đó là bài học ông từng được dạy. Trẻ em ở Guam biết điều đó. “Chúng tôi được dạy ở trường rằng chúng tôi hứng chịu nguy cơ chiến tranh vĩnh viễn. Quê nhà chúng tôi từng trở thành một chiến trường trong Thế chiến 2, và nỗi sợ hãi đó mang tính thế hệ”, ông Taimanglo nói.

Luật sư này cho biết ông không sợ điều gì từ Triều Tiên. Nhưng những người thân của ông từng là tù binh trong thời gian Nhật chiếm đóng Guam đang rất lo lắng. “Tôi rất muốn tất cả những người có thể tác động đến kết quả của lời đe dọa mới nhất này hãy nhớ rằng chúng tôi là đồng bào của họ và cần trở thành một yếu tố trong phương trình”, ông Taimanglo nói.

Số phận “mũi giáo”

Nhật chiếm đóng Guam trong 3 năm, bắt đầu từ khi quân Mỹ đầu hàng năm 1942 sau 2 ngày giao đấu. Nhiều người già còn sống vẫn nhớ những ngày tháng đau thương đó. Mỹ chiếm lại Guam vào năm 1944, và hai căn cứ của Mỹ hiện nay đang chiếm gần 1/3 diện tích của hòn đảo nhỏ. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên vào những năm 1980 vẫn còn nhớ cảm giác được vào doanh trại quân đội Mỹ giống như được vào công viên Disneyland. Được quen biết và được một gia đình quân nhân Mỹ mời đến nhà giống như một đặc ân.

Chi tiêu quân sự chiếm đến 1/3 nền kinh tế của Guam, phần còn lại đến từ du lịch. Nhiều người Guam yêu người Mỹ. Nhiều người Chamorro trở thành tín đồ Cơ đốc giáo (85% dân số trên đảo theo đạo Cơ đốc), nhiều người yêu nước thích súng và xe tải. Họ đăng ký nhập ngũ và họ yêu cuộc sống trên chiến trường hơn người dân ở các bang khác trên nước Mỹ.

Cuộc tranh luận về vấn đề phi thuộc địa hóa cho Guam diễn ra trong mấy chục năm qua và trở nên sôi nổi hơn trong những năm gần đây, sau khi chính phủ lập ra Ủy ban phi thuộc địa hóa. Thống đốc Eddie Calvo ủng hộ Guam trở thành quốc gia độc lập, nhưng tỷ lệ ủng hộ lựa chọn này không cao lắm. Tình trạng thiếu đồng thuận đó được cho là vì bản sắc của người bản địa đã biến mất sau những năm bị thuộc địa, khiến một dân tộc vật vã khi xác định chủ quyền của mình.

“Vâng, có những người ở Guam muốn độc lập khỏi Mỹ. Nhưng cũng có những người ở Guam nghe nhiều đe dọa nên tin rằng họ cần những căn cứ quân sự hùng mạnh và cần thêm nhiều căn cứ và vũ khí nữa để không bị đánh bom”, nhà hoạt động người Chamorro Victoria-Lola Leon Guerrero viết trong đoạn thông điệp trên Facebook với tựa đề là thư ngỏ gửi đến người Mỹ. “Nhưng các ông chính là nguồn cơn của mọi vấn đề bom đạn chúng tôi phải chịu”, Guerrero viết.

Người dân Guam chưa hề làm gì để thu hút chú ý từ Triều Tiên. Chính họ là nạn nhân trong lịch sử, với nền văn hóa và ngôn ngữ bị mất qua thời gian.

Vậy Guam là ai? Báo chí tuần qua phác họa hình ảnh biếm họa mô tả người dân Guam. Họ đang “làm mát”, một bài trên trang NPR viết. “Đảo mát” là bài viết của báo Los Angeles Times. Đây có thể là chân dung công bằng. Sau tất cả, người Guam không có sức mạnh. Tiếng nói của họ chỉ được lắng nghe khi Triều Tiên tuốt gươm. Họ còn có thể làm gì ngoài chấp nhận số phận là một điểm quân sự nóng, là “mũi giáo” của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương? Họ thậm chí còn có một chương trình quảng bá du lịch trị giá nhiều triệu đô la Mỹ mang khẩu hiệu nổi tiếng: “Nơi Ngày của Mỹ bắt đầu”. Đó là một chiến dịch quốc tế được triển khai khắp châu Á và thậm chí cả Bờ Tây.

“What is Guam?” (Guam là gì?) là câu hỏi được tìm kiếm nhiều bất thường trên Google trong tuần qua. Những kết quả nổi bật nhất là từ các bài báo chứa chính xác câu hỏi này, nhưng nhiều bài viết trong đó quên mất những người dân ở Guam sẽ bị ảnh hưởng từ nguy cơ hòn đảo sẽ phải hứng các tên lửa từ Triều Tiên.

Theo Theo Washington Post, CNN
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.