Hạ viện Anh cấm "vinh danh khủng bố"

Hạ viện Anh cấm "vinh danh khủng bố"
Chính phủ cầm quyền của ông Tony Blair vừa giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ Nghị viện về đạo luật cấm chuyện vinh danh khủng bố.
Hạ viện Anh cấm "vinh danh khủng bố" ảnh 1
Luật chống khủng bố ban đầu bị phản đối mạnh

Ông Blair nói kết quả cuộc bỏ phiếu là thông điệp của sức mạnh. Tuy nhiên, giới chỉ trích thì nói đạo luật đã vi phạm quyền tự do dân sự và văn bản được thảo rất tồi.

Với đa số phiếu ủng hộ, đây là tin tốt lành cho ông Thủ tướng quyết tâm không nhân nhượng đối với vấn đề gây nhiều tranh cãi là vinh danh khủng bố.

Ông Tony Blair nói kết quả là thông điệp của sức mạnh và đạo luật này tạo ra sự cân bằng đúng đắn.

Ông nói: "Chúng ta gửi ra thông điệp rõ ràng cho mọi người: quý vị không thể vinh danh những người đã thực hiện các hành động khủng bố tại đất nước này và tại các nơi khác trên thế giới".

Những người phản đối ông trong Hạ Nghị viện thì tỏ ra kiên quyết. Họ nói họ không mềm mỏng với khủng bố như ông Thủ tướng cáo buộc, mà thực ra là họ cứng rắn với ngôn ngữ của đạo luật.

Họ lập luận rằng từ "vinh danh" là quá mơ hồ và có thể dẫn đến việc người vô tội bị kết án.

Những câu hỏi khó trả lời dành cho chính phủ không chỉ được đưa ra từ đảng đối lập, mà còn từ chính đảng Lao động cầm quyền.

Ông Gordon Prentice - Dân biểu đảng Lao động bỏ phiếu chống đạo luật này - hỏi: "Chẳng hạn nếu có ai đó mang áo phông với dòng chữ "Osama bin Laden" rồi bên dưới lại có dòng chữ "Osama cần bạn", thì người đó có bị phạm tội hay không?".

Vị Bộ trưởng từ chính phủ trả lời rằng chuyện đó còn tuỳ thuộc vào mục đích của người ta. Và trong một Hạ viện đầy các luật sư, chuyện tranh cãi về cụm từ "vinh danh khủng bố" có vẻ như không thể nào chấm dứt nổi.

Thay mặt đảng Bảo thủ đối lập, ông Dominic Grieve nói: "Từ vinh danh không có chỗ đứng và không nên có chỗ đứng trong luật pháp của chúng ta. Không thể nào diễn giải từ này một cách đúng đắn được, và sẽ không thể thực thi đạo luật một cách hợp lý.

Nó dẫn đến rủi ro là sẽ kết tội những ai mà chính phủ không muốn kết tội và nói thẳng ra thì đó là một khái niệm vứt đi".

Tuy nhiên, giới chỉ trích đã thất bại trong cuộc tranh cãi này, và đạo luật giờ đây sẽ được chuyển lên Thượng viện, nơi ngay từ đầu nó đã bị bác bỏ.

Với đa số ủng hộ ngày càng tăng, chính phủ hy vọng Thượng viện sẽ không bác bỏ lần thứ hai và những biện pháp mạnh tay này sẽ sớm trở thành luật.

Theo BBC

MỚI - NÓNG