Hai bất đồng không thể dung hòa giữa Nhật và Pháp

Hai bất đồng không thể dung hòa giữa Nhật và Pháp
Tổng thống Pháp Jacques Chirac và phu nhân thăm Nhật Bản từ ngày 26- 28/3 để trao đổi với Thủ tướng Junichiro Koizumi về các vấn đề đang nổi cộm trong quan hệ Nhật – Pháp và tham dự Hội chợ Thế giới 2005.
Hai bất đồng không thể dung hòa giữa Nhật và Pháp ảnh 1

Các hãng tin từ Tokyo cho biết, tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Chirac và Thủ tướng Koizumi, hai bên đề cập đến hai bất đồng không thể dung hòa giữa Nhật Bản và Pháp.

Bất đồng thứ nhất là, việc Pháp đi đầu trong một số cường quốc Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Bất đồng thứ hai là, địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm quốc tế.

Tổng thống Chirac cho rằng quyết định của EU về dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc không tạo ra sự thay đổi nào trong việc xuất khẩu các vũ khí hoặc công nghệ nhạy cảm nào cho Trung Quốc. Do vậy quyết định đó không có nghĩa là mọi điều sẽ thay đổi mà đúng hơn đó chỉ là quyết định mang ý nghĩa chính trị.

Đặc biệt là tại Tokyo, lần đầu tiên Tổng thống Jacques Chirac khẳng định rằng việc Trung Quốc tìm cách tháo dỡ cấm vận vũ khí của EU là điều hợp pháp và đó là lý do tại sao EU lại đưa ra quyết định nói trên.

Trái với quan điểm của Pháp và EU nói chung, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi nhắc lại lập trường của Tokyo phản đối việc châu Âu bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Ông Koizumi chỉ rõ trong hơn 10 năm qua, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 10%. Trong khi đó con số này ở Nhật Bản là liên tục giảm trong 3 năm qua. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng Tokyo không coi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một mối đe dọa mà chỉ coi đó là cơ hội.

Tuy nhiên, liên quan đến những sự lo ngại của Nhật Bản về vấn đề an ninh, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan, Thủ tướng Koizumi muốn có một giải pháp hòa bình.

Trong cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ, Tổng thống Chirac và Thủ tướng Koizumi không thể dung hòa được trong vấn đề EU bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Trước việc Mỹ và Nhật Bản kịch liệt phản đối quyết định nói trên của EU, Tổng thống Chirac vẫn khẳng định Paris quyết tâm thúc đẩy để đến cuối tháng 6 tới là cấm vận đó được EU dỡ bỏ.

Vì thế trong tuyên bố chung Pháp – Nhật, hai bên chỉ nêu được việc hai bên đã thảo luận để hiểu nhau nhiều hơn. Pháp bày tỏ mong muốn cùng với Nhật Bản đóng góp tích cực vào hòa bình và sự ổn định lâu dài trong khu vực. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn lớn về tình hình an ninh ở Đông Á.

Về vấn đề lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm quốc tế, hai bên không thống nhất được địa điểm sẽ xây dựng. Lò phản ứng hạt nhân này trị giá 13 tỷ USD giúp nghiên cứu về các phản ứng nhiệt hạch giống như năng lượng phát ra từ Mặt trời.

Các bên tham gia đầu tư xây dựng và nghiên cứu dự án này gồm Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga. Tokyo muốn lò phản ứng này được xây dựng ở Rokkasho miền Bắc Nhật Bản. Trong khi đó, Paris muốn lò phản ứng thí nghiệm quốc tế đặt ở Cadarache (Pháp).

Mặc dù còn hai điều bất đồng quá lớn không thể dung hòa, hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Nhật Bản vẫn bày tỏ hài lòng về quan hệ kinh tế giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trong những năm qua.

Hiện nay Pháp có khoảng 500 công ty đang hoạt động tại Nhật Bản. Ngược lại, Nhật Bản có khoảng 400 công ty kinh doanh tại Pháp. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản thì cho đến nay, Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước này.

MỚI - NÓNG