“Hai chuyên cơ vẫn đầy ắp DN Đức”

“Hai chuyên cơ vẫn đầy ắp DN Đức”
TP - Chiều tối qua (17-9), trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam với tư cách Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức, Tiến sĩ Philipp Rosler đã có buổi nói chuyện 30 phút với sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân về chủ đề “Cơ hội của nền kinh tế thị trường xã hội”.

> Phó thủ tướng Đức gốc Việt sắp thăm Việt Nam

Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Rosler (trái). Ảnh : Việt Hùng
Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Rosler (trái). Ảnh : Việt Hùng.

Nhân dịp này, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao tặng bằng tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Rosler.

Mở đầu bài nói chuyện của mình, TS Rosler khẳng định, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế châu Âu, để xây dựng và ổn định khu vực đồng tiền chung euro, rất cần sự tham dự, trao đổi của nhiều nước vào nền kinh tế thị trường xã hội của Đức, trong đó có Việt Nam.

Theo TS Rosler, nền kinh tế thị trường xã hội là nơi mọi người đều được hưởng lợi, có sự ổn định của đồng tiền, sự tin cậy lẫn nhau trong giao dịch với sự đảm bảo về pháp lý.

Nơi đó, người mua và người bán sẽ đóng vai trò quyết định, điều phối thị trường, chứ không phải nhà nước. Cuối cùng thì cả người dân và nhà nước cùng có lợi.

Ông Rosler cho rằng, điều quan trọng không phải là doanh nghiệp (DN) lớn mà chính là các DN vừa và nhỏ. DN muốn hoạt động tốt cần thoát khỏi vòng tay nhà nước, tự tồn tại và phát triển. Việt Nam cần tiếp tục quá trình tư nhân hóa và cổ phần hóa các DN.

Ông Rosler đánh giá, Việt Nam là một đối tác rất mạnh của Đức trong một thị trường ASEAN với 600 triệu dân, và mong muốn sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU – ASEAN, EU – Việt Nam.

Ông Rosler nói : “Nếu chúng tôi sang Việt Nam với một chuyên cơ thứ hai, vẫn sẽ chật ních các DN Đức. Tôi nghĩ các chuyên cơ thứ ba, thứ tư cũng vậy. Song họ mong muốn khi ký hợp đồng với các DN Việt Nam phải được đảm bảo, phải được giữ vững”.

Ông Rosler mong muốn có một sự sự tin cậy và hành lang pháp lý tốt cho các DN Đức khi tới làm ăn tại Việt Nam.

Sinh ra ở Việt Nam, trọng trách lớn ở Đức

Nói về gốc gác Việt Nam của mình, ông Rosler bày tỏ: Vấn đề không phải là tôi đã sinh ra ở Việt Nam, mà quan trọng hơn là hàng trăm ngàn người Việt Nam đã và đang sinh sống tại nước Đức, hiểu được nền văn hóa Đức.

Ông nói: “Tôi là một người sinh ra ở Việt Nam, mồ côi, rồi được nhận là con nuôi, nay đảm nhận một trọng trách lớn ở Đức. Có được điều này là nhờ sức mạnh của nền dân chủ, sự tự do đã tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, giúp họ phát huy hết năng lực, tận dụng mọi cơ hội với những ý tưởng thông tuệ nhất. Nhiều người Việt học đại học ở Đức, tôi nghĩ họ cũng có cơ hội thành đạt ở Đức. Người Việt có truyền thống gắn bó với gia đình và rất hiếu học. Đa số con em người Việt ở Đức đều học tại các trường THPT chuyên (hệ 13 năm), đủ điều kiện vào đại học. Tôi cũng sẽ không thể được đứng ở đây ngày hôm nay nếu bố mẹ tôi không cho tôi học đại học”.

Kết thúc bài nói chuyện thẳng thắn và thú vị của mình, TS Rosler nói: Chìa khóa dẫn đến thành công là học tập, là giáo dục và đào tạo, đây chính là là nhịp cầu kết nối giữa Đức và Việt Nam.

“Việt Nam đã tạo ra khuôn mặt tôi, đã làm tôi nhớ đến đất nước này. Song điều quan trọng hơn là hướng tới tương lai, hướng tới sự hợp tác Đức – Việt” – vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng liên bang Đức 39 tuổi nói.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Philipp Rosler.

"Bố trở về nơi đã sinh ra"

Ông đã tới Việt Nam lần đầu cách đây 6 năm. Lần trở lại Việt Nam này của ông có khác với 6 năm về trước không ? (Câu hỏi của một sinh viên)

Ông Rosler: Cách đây 6 năm tôi không nghĩ là sẽ trở lại Việt Nam trong tư cách Bộ trưởng liên bang. Tôi chỉ nghĩ nếu có trở lại cũng chỉ với tư cách bộ trưởng bang hay nghị sĩ bang mà thôi. Tại Đức, người Việt Nam nổi tiếng chăm chỉ, năng động, 6 năm trôi qua tôi nghĩ vẫn như thế. Đặc tính đó cũng thấy rõ ở những người Đức gốc Việt.

Điều gì đã làm ông ấn tượng nhất trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, ông có định tiếp tục quay trở lại Việt Nam không? (Câu hỏi của một sinh viên)

Chuyến thăm của tôi rất ngắn ngủi, song ấn tượng đầu tiên là tốc độ chuẩn bị cho chuyến thăm này rất nhanh. Ấn tượng tiếp theo là sự quan tâm của cả hai bên tới GD-ĐT. Sự say mê học tập, coi trọng vấn đề GD-ĐT là ấn tượng nhất đối với tôi, không chỉ đối với những người Việt Nam ở đây mà cả với những người Việt Nam đã sống nhiều thế hệ ở Đức.

Tôi sẽ quay lại Việt Nam, nhưng với tư cách cá nhân thôi. Tôi sẽ kể cho hai cô con gái nghe về đất nước Việt Nam xinh đẹp. Trước khi tôi sang Việt Nam, các cháu hỏi đi đâu, tôi nói đi công tác. Nhưng vợ tôi đã nói ngay với các con rằng, bố về nơi bố đã sinh ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG