Hai phe ở Ukraine đồng ý ngừng bắn

Nhiều người lo ngại rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine sẽ không được tuân thủ. Ảnh: Guardian
Nhiều người lo ngại rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine sẽ không được tuân thủ. Ảnh: Guardian
TP - Chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền đông tối qua ký thỏa thuận ngừng bắn, nhưng quân nổi dậy nói rằng, ước mong ly khai của họ không thay đổi.

Sau khi đàm phán ở Belarus, hai bên nhất trí ngừng bắn từ 15 giờ (giờ quốc tế) ngày 5/9, BBC đưa tin. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói ông sẽ làm “mọi việc có thể” để chấm dứt đổ máu. Phe nổi dậy nói rằng, thỏa thuận ngừng bắn không làm thay đổi đường lối của họ là tách miền đông ra khỏi Ukraine. 

Hơn 2.600 người thiệt mạng kể từ khi quân nổi dậy tràn vào một số thành phố ở miền đông. Quân chính phủ Ukraine đã mở chiến dịch quân sự để giành lại các thành phố này. Phe nổi dậy bị đẩy lùi về phía hai thành trì của họ là Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, những ngày gần đây, quân nổi dậy lại chiếm ưu thế trên trận địa. 

Hôm qua, giao tranh tiếp tục diễn ra quanh Mariupol - thành phố ven biển cách Donetsk khoảng 110km. BBC đưa tin, phe ly khai dường như đang tấn công các vị trí của quân chính phủ ở cách thành phố 4km. Quân chính phủ phản công bằng trọng pháo và máy bay chiến đấu. 

Chính phủ Ukraine nói rằng, lực lượng của họ đang nỗ lực đẩy lùi đợt tấn công lớn của phe ly khai nhằm chiếm Mariupol - thành phố cảng ven biển Azov có vai trò quan trọng trong xuất khẩu thép của đất nước. Cảng này nằm giữa Nga và bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ của họ. 

Tiểu đoàn tình nguyện Azov viết trên mạng xã hội rằng, các tay súng của họ vừa phối hợp với quân chính phủ triển khai cuộc phản công về phía Novoazovsk - thị trấn ven biển nằm xa hơn về phía đông, gần biên giới Nga và đã bị phe ly khai chiếm cuối tháng 8, Reuters đưa tin. 

Mariupol trở thành tâm điểm chú ý của Ukraine sau khi quân nổi dậy vượt ra khỏi những căn cứ chính của họ từ cuối tháng 8. Kiev nói rằng, bước tiến của phe nổi dậy có sự hỗ trợ của Nga, nhưng Mátxcơva luôn bác bỏ cáo buộc này. 

Chiều qua, đại diện của chính phủ Ukraine, thủ lĩnh phe đối lập, Nga và nhóm giám sát thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) gặp nhau tại thủ đô Minsk của Belarus để thảo luận kế hoạch hòa bình cho khu vực mà theo đó lệnh ngừng bắn sẽ được cả hai phe thực hiện, hãng tin Nga RIA-Novosti đưa tin. 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây chuẩn bị đưa ra các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga và cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại xứ Wales bước sang ngày thứ hai. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào ngành ngân hàng, năng lượng và quốc phòng Nga, cũng như những người mà phương Tây gọi là “thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được áp dụng cho dù cuộc đối thoại tại Minsk dẫn tới thỏa thuận ngừng bắn hay không, BBC đưa tin.

Nghi ngờ hiệu quả thực tế

Các nhà quan sát nhận định, thỏa thuận ngừng bắn sẽ khó được duy trì ở miền đông sau gần 6 tháng xung đột. Một số người còn cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn là một ý tưởng chỉ có lợi cho phe đối lập. 

Sự nghi ngờ còn lớn hơn ở Donetsk, nơi đa số người dân đổ lỗi cho chính phủ Ukraine gây ra cuộc xung đột. “Tôi nghi ngờ Ukraine sẽ tuân thủ bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Ông Poroshenko có thể thông báo điều đó với quân đội, nhưng vẫn còn có các tiểu đoàn tình nguyện Kolomoisky”, Reuters dẫn lời anh Denis Tikhinov, 22 tuổi, từng là nhân viên một công ty dịch vụ máy tính trước khi cuộc chiến nổ ra. 

Những tiểu đoàn Kolomoisky mà anh Tikhinov nhắc tới chính là lực lượng do ông Ihor Kolomoiksy, một doanh nhân giàu có kiêm Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, lập ra nhằm chống lại phe ly khai. 

“Khi Tổng thống Poroshenko thông báo về thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên, ông Kolomoisky nói rằng, sẽ không có điều nào như vậy và ra lệnh cho các tiểu đoàn dưới quyền của ông ta tiếp tục phá hủy thành phố và tấn công thường dân”, anh Tikhinov nói.

Sáng qua, người dân miền đông xếp hàng để hứng nước từ các bể chứa, đăng ký nhận hàng cứu trợ nhân đạo và rút tiền từ các máy ATM của vài ngân hàng vẫn còn hoạt động ở thành phố. “Tôi không hy vọng gì cả. Tổng thống Poroshenko đưa ra lời hứa, nhưng chỉ là nói dối người dân”, Reuters dẫn lời cụ Lidia, cư dân Donetsk.

Trước khi thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được áp dụng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra kế hoạch hòa bình 7 điểm, trong đó có việc dừng “những chiến dịch tấn công chủ động” của quân đội Ukraine và phe ly khai, để đại diện quốc tế giám sát ngừng bắn, trao đổi tù binh vô điều kiện và lập hành lang cứu trợ nhân đạo.

MỚI - NÓNG