Hải quân Hoàng gia Anh làm việc cho các tỷ phú

Hải quân Hoàng gia Anh làm việc cho các tỷ phú
TP - Quân chủng có quá khứ lẫy lừng Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu chuyển sang một công việc có vẻ tầm thường: Đào tạo thủy thủ đoàn phục vụ cho tàu du ngoạn của các đại phú thế giới.
Hải quân Hoàng gia Anh làm việc cho các tỷ phú ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước đây, ai cũng biết đã từng nổi tiếng lẫy lừng sau khi đánh đắm đoàn tầu của Napoleon vào hồi đầu thế kỷ XIX và biến nước Anh trở thành “chúa tể các đại dương”.

Theo tin báo Mỹ The Wall Street Journal, vài tháng trước đây, các nhà thầu của Hải quân Anh đã tổ chức một số khóa huấn luyện nhân viên phục vụ, trưởng tầu và tiếp viên để họ làm việc trên tàu du ngoạn của các tỷ phú trong các chuyến đi tới những địa điểm nghỉ ngơi đặc biệt.

Một trong những người đầu tiên sử dụng dịch vụ mới này là nhà tỷ phú dầu mỏ Nga Roman Abramovich, chủ sở hữu cả một đội tàu du ngoạn hoành tráng, trong đó có những chiếc nổi tiếng như chiếc “Ecstasea” dài 85 mét và chiếc “Eclipse” dài 150 mét.

Không phải ai cũng hoan nghênh sáng kiến đó của Hải quân Anh. Chẳng hạn, bà Anna Tribe, 78 tuổi, hậu duệ của Horatio Nelson, viên Phó Đô đốc đã giành được chiến thắng lịch sử tại Mũi Trafalgar cách đây 2 thế kỷ, tỏ ra không hài lòng về bước chuyển này.

Bà cảnh báo nếu các hướng dẫn viên để lộ cho học viên biết quá nhiều bí mật thì “Abramovich và đồng bào của ông ta sẽ lập tức khai chiến với nước Anh”.

Nhưng nhiều người lại có ý kiến khác, trong đó có Stephen Mackay, Thiếu tướng Hải quân Anh đã về hưu và hiện là Giám đốc Hãng thầu tư nhân “Flagship Training Ltd” chuyên nhận thầu trong lĩnh vực quốc phòng. Mackay khẳng định an ninh của nước Anh bị đe dọa bởi một nguy cơ còn cấp bách hơn nhiều - đó là nạn thiếu tiền.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và nguy cơ xẩy ra những cuộc xung đột quy mô lớn trên biển đã giảm thiểu thì Nhà nước Anh không còn hỗ trợ cho Hải quân nữa.

Các chính phủ kế tiếp nhau ở Anh ngày càng cắt giảm ngân sách dành cho Hải quân, bởi vậy, Hải quân Anh buộc phải tìm kiếm những nguồn thu nhập khác thay thế để bù đắp vào chỗ trống ấy.

Trong bối cảnh đó, những chiếc tàu du ngoạn hoành tráng đã được những người như Mackay để mắt đến. Nhờ những tỷ phú ngày càng giàu thêm như Abramovich, số lượng những chiếc tàu du ngoạn siêu hạng (dài từ 30 mét trở lên) trên các đại dương đã nhiều hơn số tàu của Hải quân Anh.

Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, số lượng những chiếc tàu như vậy được đóng hằng năm đã tăng gấp đôi. Riêng trong năm ngoái đã có 253 chiếc được hạ thủy.

Nhiều chiếc có quy mô đồ sộ chẳng kém gì chiến hạm và phức tạp đến nỗi để phục vụ được chúng, các nhân viên và đoàn thủy thủ phải thỏa mãn những yêu cầu còn khắt khe hơn so với việc phục vụ trong lực lượng Hải quân Anh.

Hơn nữa, số lượng nhân viên phục vụ trên những chiếc tàu dó cũng rất lớn. Chẳng hạn, chiếc “Eclipse” đã nói đến ở trên cần một đội ngũ nhân viên phục vụ đông đến 400 người.

Chính vì thế, Stephen Mackay đã nẩy ra ý tưởng mở các khóa đặc biệt huấn luyện đoàn thủy thủ phục vụ cho các con tàu du ngoạn siêu hạng của các tỷ phú.

Đồng thời, ông đề nghị Hải quân Anh hợp tác với ông: hãng “Fiagship Training Ltd” đảm nhiệm khâu tổ chức còn Hải quân sẽ đảm nhiệm khâu huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ. Theo lời Mackay, sáng kiến của ông đã được Ban Lãnh đạo Hải quân “phản ứng tích cực”.

Thư ký báo chí của Hải quân Anh thừa nhận Hải quân đang “hợp tác chặt chẽ” với hãng “Flagship Training Ltd” nhằm “tăng thêm những khoản thu nhập cần thiết cho nhu cầu của Hải quân”.

Theo điều kiện ghi trong bản hợp đồng đã ký với Mackay, hãng “Flagship Training Ltd” được hưởng 40% thu nhập từ các khóa huấn luyện, phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách của Hải quân.

Hóa ra ai cũng vậy, “bụng đói thì chân phải bò”. Hải quân Hoàng gia Anh đã một thời vang bóng cũng không phải ngoại lệ.

Vũ Việt
Theo The Wall Street Journal

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...