Hải quân Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện khắp bán đảo Triều Tiên

Nhiều tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai tới khu vực bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.
Nhiều tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai tới khu vực bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.
TP - Ngày 19/12, phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đồn trú tại Nhật Bản, Tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson cho biết, các nhóm tàu tác chiến của Hạm đội 3 ở đông Thái Bình Dương có thể được triển khai để hỗ trợ đồng đội ở tây Thái Bình Dương.

Vị chỉ huy cấp cao nhất của hải quân Mỹ cho biết, Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở phía tây Thái Bình Dương để đối phó những mối đe dọa gia tăng ở khu vực. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi đáp ứng tất cả các sứ mệnh của chúng tôi ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đó có thể là sự có mặt của Hạm đội 3 hoặc một điều gì đó tương tự để đáp ứng các yêu cầu này”, ông Richardson nói nhưng từ chối cho biết khi nào hoặc bao nhiêu tàu có thể được triển khai.

Ông Richardson nhắc lại mối quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên biển Đông, nhưng đến nay, trông chừng Triều Tiên vẫn là nhiệm vụ cấp bách nhất của hải quân Mỹ ở châu Á vì ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa. Việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất vào ngày 29/11 khiến cho Mỹ đứng ngồi không yên. Các nhà phân tích nói rằng, tên lửa  Hwasong-15 có sức mạnh lớn nhất từ trước đến giờ với tầm phóng có thể đạt tới 13.000km, tức là toàn bộ đất liền Mỹ đang nằm trong tầm bắn của loại tên lửa này.

Chuyên gia Trung Quốc Tống Trung Bình, một nhà bình luận quân sự cho Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong, cho rằng, Mỹ đang cố gắng sử dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để củng cố Hạm đội 7 của mình ở tây Thái Bình Dương bằng cách cử các nhóm tàu chiến đấu từ Hạm đội 3 tới hỗ trợ. “Nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bằng các biện pháp quân sự, ba nhóm chiến đấu hiện tại của họ trong khu vực không đủ để tạo ra ưu thế chiến đấu tuyệt đối... Họ cần 4-6 nhóm tàu chiến đấu để hỗ trợ các hành động quân sự có thể xảy ra”, ông Tống nói.

Kiềm chế Trung Quốc?

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, việc di chuyển nhóm tàu tác chiến Mỹ có thể được sử dụng để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng, Mỹ đang sử dụng những căng thẳng đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên như một cơ hội để củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực, mà mục tiêu cuối cùng là kìm hãm một Trung Quốc đang lên.

Nhà bình luận Tống Trung Bình cho rằng, Washington có lý do chính đáng để làm điều đó. Ông nói: “Hải quân và không quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy nếu Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở tây Thái Bình Dương vì có khả năng Lầu Năm Góc sẽ triển khai 4-6 tàu sân bay đến khu vực”.

Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh đồng ý rằng, việc triển khai mới nhất của Washington trong khu vực là nhằm vào quân đội Trung Quốc. Ông nhận định: “Mỹ cảm thấy bị áp lực khi theo dõi thấy hải quân và không quân Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Thông thường, Mỹ chỉ có một nhóm tàu sân bay đóng quân trong khu vực, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra rằng việc triển khai quân đội hiện tại của Mỹ không đủ để đối phó với những thách thức an ninh gia tăng trong khu vực”. Ông Lý Kiệt cũng nhắc đến một loạt vụ tai nạn liên quan tàu hải quân Mỹ trong năm nay, bao gồm hai vụ liên quan tới các tàu khu trục va vào tàu chở hàng làm 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Chuyên gia Tống Trung Bình cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm có tàu sân bay thứ hai sau tàu Liêu Ninh vì Bắc Kinh đã tính trước việc Washington sẽ tăng khả năng hải quân của mình trong khu vực.

Sáu bước để ngăn chiến tranh Triều Tiên- Mỹ

Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc mới đây, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd cho rằng, một thỏa thuận ràng buộc với những nhượng bộ của cả Mỹ và Triều Tiên sẽ giúp ngăn ngừa các hành động thù địch có thể dẫn đến một cuộc xung đột thảm khốc. Ông cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh chỉ 25%, không phải 50% như nhiều người khác dự đoán. Tuy nhiên, ông lo lắng, khả năng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu hai bên không đạt được những thỏa thuận lớn. Ông gợi ý 6 bước để ngăn chặn cuộc chiến. Đó là ngay lập tức áp dụng chiến thuật “đóng băng kép” (Triều Tiên sẽ ngừng chương trình tên lửa hạt nhân để đổi lấy việc Hàn Quốc và Mỹ ngừng tập trận chung); Lập khung thời gian cho việc phá hủy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; Thiết lập một hiệp định hòa bình báo hiệu sự kết thúc chiến tranh Triều Tiên; Đảm bảo an ninh bên ngoài cho tương lai của chế độ Triều Tiên; Tái thiết kinh tế Triều Tiên; Điều chỉnh quân số quân đội Mỹ, bao gồm khả năng cuối cùng là loại bỏ sự triển khai binh lính Mỹ. Ông Kevin nhấn mạnh rằng, bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi tư duy sáng tạo, nhưng ngoại giao là cách duy nhất để tránh lặp lại những bi kịch của thế kỷ 20.

Theo Theo SCMP, Washington Post
MỚI - NÓNG