Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố :

Hàn Quốc hoan nghênh, Nhật Bản phản đối

Hàn Quốc hoan nghênh, Nhật Bản phản đối
Quyết định ngày 11/10 của Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố đã tạo nên những phản ứng khác nhau từ các nước tham gia tiến trình đàm phán sáu bên.
Hàn Quốc hoan nghênh, Nhật Bản phản đối ảnh 1
 Ảnh nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il (hàng đầu, bên trái) được Bình Nhưỡng công bố hôm 11/10  Ảnh: AP

Tại Seoul, ngày 12/10, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Sook cho biết Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Mỹ và đánh giá đây là một cơ hội lớn, tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán sáu bên cũng như tiến trình giải trừ hạt nhân tại Triều Tiên.

Hàn Quốc hy vọng Triều Tiên sẽ sớm nối lại hoạt động vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân tại nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shoichi Nakagawa đến Washington dự cuộc họp với các bộ trưởng tài chính nhóm G-7 đã tuyên bố động thái trên của Mỹ là "hết sức đáng tiếc".

Ông Nakagawa đã bày tỏ với Tổng thống Mỹ George W. Bush sự lo ngại của những người Nhật có thân nhân bị Triều Tiên bắt cóc. Nhật Bản muốn Mỹ thúc ép Bình Nhưỡng cung cấp thêm thông tin về các công dân Nhật Bản bị bắt cóc trước khi đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách trên.

Tuy nhiên, tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone ra tuyên bố khẳng định Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và những nước liên quan khác để thúc đẩy quan hệ Nhật - Triều, trong đó có vấn đề bắt cóc cũng như vấn đề hạt nhân.

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết ông Bush đã trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso về quyết định đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, đồng thời tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản trong tiến trình đàm phán với Triều Tiên.

Nội bộ nước Mỹ cũng có những phản ứng khác nhau về quyết định trên của chính quyền. Phe bảo thủ cho rằng chính quyền Bush đã nhượng bộ quá nhiều để cố đạt được một thành công ngoại giao hiếm hoi trước khi ông Bush kết thúc nhiệm kỳ.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton đánh giá thỏa thuận kiểm chứng hạt nhân mà Mỹ đã đạt được với Triều Tiên là một sự thất bại. Phe bảo thủ muốn Mỹ áp đặt một cơ chế thẩm định cứng rắn, cho phép các thanh sát viên tiếp cận toàn diện hơn bất kỳ cơ sở nào có liên quan đến hạt nhân.

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa John McCain tỏ ra thận trọng, trong khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Barack Obama cho rằng quyết định trên là một bước đi phù hợp. Trước đó, ông McCain từng tuyên bố không ủng hộ việc nới lỏng trừng phạt với Triều Tiên trừ phi Mỹ được quyền thẩm định toàn diện các chương trình hạt nhân của nước này, trong khi ông Obama cho rằng chính quyền Bush chưa nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

Theo thỏa thuận kiểm chứng hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên trước khi Washington đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, các thanh sát viên của Mỹ và LHQ được quyền tiếp cận tất cả các cơ sở hạt nhân đã công bố.

Đối với các cơ sở hạt nhân chưa được công bố, hoạt động tiếp cận của các thanh sát viên sẽ được tiến hành dựa trên sự đồng thuận của các bên. Tất cả các chuyên gia thuộc các nước tham gia đàm phán sáu bên đều được quyền tham gia hoạt động kiểm chứng.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế sẽ đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn quan trọng trong tiến trình kiểm chứng. Thỏa thuận cũng đề cập đến việc áp dụng các biện pháp khoa học, trong đó bao gồm việc đưa mẫu ra khỏi Triều Tiên, và các biện pháp về pháp lý để kiểm chứng hạt nhân. Thỏa thuận giữa Mỹ với Triều Tiên sẽ là cơ sở để ban hành nghị định thư kiểm chứng hạt nhân dự kiến được đưa ra cho 6 nước thông qua tại một cuộc gặp sẽ được tổ chức trong tương lai gần.

Sau khi Triều Tiên được đưa ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, nhiều biện pháp trừng phạt thương mại chống nước này sẽ được dỡ bỏ, Bình Nhưỡng sẽ có quyền giao dịch với các định chế tài chính quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các ngân hàng toàn cầu...

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McComark nói rõ Triều Tiên sẽ vẫn là đối tượng của hàng loạt các biện pháp trừng phạt khác được áp đặt sau khi nước này thử hạt nhân năm 2006.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG