Hàn Quốc – Triều Tiên bắt đầu đối thoại lần đầu sau hơn hai năm

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon (phải). Ảnh: Yonhap
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon (phải). Ảnh: Yonhap
TPO - Cuộc đối thoại cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu lúc 10h sáng nay, 9/1 (giờ địa phương) tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Phát biểu trước các phóng viên trước khi lên đường đến địa điểm diễn ra cuộc đối thoại cấp cao, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để biến Olympic PyeongChang và Paralympic trở thành một lễ hội hòa bình, và đưa sự kiện này trở thành bước đi đầu tiên hướng tới sự cải thiện quan hệ liên Triều. Để đáp ứng kì vọng của người dân, chúng tôi sẽ không vội vàng và trao đổi một cách bình tĩnh.”

Bộ trưởng Cho là người dẫn đầu một phái đoàn chính phủ gồm 5 thành viên. Trong khi đó, người dẫn đầu phái đoàn của Triều Tiên là ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình (CPRK), cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng.

Trong cuộc đối thoại, đại diện từ hai miền Triều Tiên sẽ tập trung thảo luận về sự góp mặt của Bình Nhưỡng tại Olympic. Nội dung cụ thể bao gồm phương thức di chuyển của phái đoàn Triều Tiên, và liệu hai miền Triều Tiên có thể diễu hành dưới lá cờ Hàn Quốc thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc hay không.

Ngoài ra, hai bên cũng có thể đối thoại để tìm cách cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Cụ thể, Seoul được cho là sẽ nhấn mạnh tính cấp bách của việc giảm căng thẳng quân sự và gia hạn đề xuất hòa bình mà Hàn Quốc đưa ra hồi tháng 7/2017.

Theo đề xuất này, phía Hàn Quốc đề nghị tổ chức các cuộc họp của Hội Chữ thập đỏ để thảo luận về cuộc hội ngộ của các gia đình bị chia cắt trong chiến tranh liên Triều (1950 – 1953).

Ngược lại, phía Triều Tiên có thể tiếp tục yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung, hành động mà Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án như một cuộc diễn tập chiến tranh.

Triều Tiên cũng có thể yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời tiếp tục các dự án kinh tế liên Triều để đổi lấy việc Bình Nhưỡng tham dự thế vận hội mùa Đông.

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề. Đây là cuộc đối thoại cấp cao liên Triều đầu tiên kể từ tháng 12/2015.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng sự tham gia của Triều Tiên tại thế vận hội sắp tới sẽ giúp giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo.

“Cuộc đối thoại có thể được coi là thành công nếu Triều Tiên đồng ý tham gia thế vận hội, và hai bên lập kế hoạch cho cuộc đối thoại tiếp theo, cũng như xác định quan điểm của nhau về các vấn đề cùng quan tâm”, Giáo sư Yang Moo-jin từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho biết trên Yonhap.

Hàn Quốc sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang từ ngày 9/2 đến 25/2 và Paralympic dự kiến bắt đầu vào ngày 9/3. Khu vực tổ chức Thế vận hội chỉ cách biên giới Triều Tiên 80 km về phía nam.

Theo Theo Yonhap
MỚI - NÓNG