Hàn Quốc: Vì sao Cục trưởng Tình báo từ chức?

Hàn Quốc: Vì sao Cục trưởng Tình báo từ chức?
TP - Ngày 27/10, Phát ngôn viên Yoon Tae Young của Tổng thống Hàn Quốc cho biết: Cục trưởng Tình báo Quốc gia của nước này Kim Seung Gyu đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Roh Moo Hyun liên quan đến vụ thử hạt nhân vừa qua của CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc: Vì sao Cục trưởng Tình báo từ chức? ảnh 1
Giám đốc Cục tình báo quốc gia Hàn Quốc Kim Seung Gyu (giữa)  Ảnh: Reuters

Việc Cục trưởng Tình báo Kim Seung Gyu từ chức là một đòn đánh mạnh vào chính quyền Hàn Quốc hiện này vì trước đó vài ngày Bộ trưởng Thống nhất Lee Jong Seok và Bộ trưởng Quốc phòng Yoon Kwang Ung cũng đã đệ đơn từ chức lên Nhà Xanh.

Đáng chú ý là việc các quan chức Hàn Quốc lần lượt xin từ chức diễn ra sau những làn sóng chỉ trích chính sách của Tổng thống Roh Moo Hyun can dự với CHDCND Triều Tiên.

Các chính sách này bị cho là đã không ngăn chặn được tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như không làm giảm được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu các đơn từ chức của 3 bộ trưởng nói trên được Tổng thống Roh Moo Hyun chấp nhận, cuộc cải tổ nội các của Tổng thống dự định trong tuần tới sẽ kém ý nghĩa vì các nhân vật quan trọng đều đã tự xử về trách nhiệm của mình liên quan đến vụ nổ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vừa qua.

Tổng thống Roh Moo Hyun đã duy trì chính sách can dự với Bình Nhưỡng trong gần 4 năm qua nhưng mới đây ông đã phải chấp nhận xem xét lại chính sách này.

Trên thực tế chính sách can dự là nòng cốt của học thuyết ánh dương do cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đề xướng. Nhờ học thuyết ánh dương này mà ông Kim Dae Jung được trao giải thưởng Nobel Hòa bình.

Trong khi học thuyết ánh dương bị chỉ trích, tác giả của học thuyết này, ông Kim Dae Jung lại cho rằng do Washington thay đổi đột ngột chiến lược của mình dưới thời Tổng thống George W.Bush nên đã khiến chính sách ánh dương mới thất bại.

Dưới thời kỳ Tổng thống tiền nhiệm của ông Bush là Bill Clinton, các chính sách của Mỹ luôn phù hợp với Hàn Quốc. Ngày đó, Tổng thống Bill Clinton thậm chí còn phái cả Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright sang Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il. 

Vụ nổ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vừa qua khiến dư luận Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ học thuyết ánh dương. Sự thất bại của học thuyết này còn thể hiện ở chỗ chỉ trong một tuần mà 3 Bộ trưởng chủ chốt trong Nội các Hàn Quốc xin từ chức để nhận trách nhiệm đã không phát hiện và ngăn chặn được chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dư luận báo chí Hàn Quốc coi việc cải tổ Nội các với sự từ chức của 3 Bộ trưởng là một cơ hội để cho Seoul nghĩ lại học thuyết ánh dương hay chính sách can dự của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên.

Đ.P
Theo Reuters

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.