Hàng nghìn người giám sát gian lận bầu cử tổng thống Mỹ

Hàng dài cử tri chờ đợi tại Brooklyn, New York. Ảnh: AFP.
Hàng dài cử tri chờ đợi tại Brooklyn, New York. Ảnh: AFP.
Nhiều cơ quan giám sát đang theo dõi từng diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đề phòng xảy ra gian lận và tình trạng bạo lực.

Gần 90 triệu người Mỹ dự kiến đi bầu cử trong ngày hôm nay. Tiến trình bỏ phiếu sẽ được theo dõi bởi hàng loạt đơn vị giám sát liên bang, các nhóm bảo vệ quyền bầu cử, thậm chí là nhiều chuyên gia quốc tế, theo USA Today.

Các nhóm lợi ích bảo thủ và tự do đang rất thận trọng khi cuộc đua giữa Donald Trump và Hillary Clinton trở nên gay cấn vào giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử. Chính Trump đã hối thúc người ủng hộ theo dõi các điểm bỏ phiếu tại một số khu vực nhất định, đề phòng việc gian lận kết quả.

Bộ tư pháp Mỹ đã triển khai hơn 500 người giám sát tới 28 bang. Con số này đã giảm gần một nửa so với mức 800 của cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Nhiệm vụ chính của họ là xem cử tri có bị phân biệt về chủng tộc, ngôn ngữ hay tình trạng sức khỏe hay không.

Nhóm giám sát này gồm những chuyên gia thạo tiếng Tây Ban Nha và một loạt ngôn ngữ khác. Tại mỗi văn phòng chưởng lý trên khắp đất Mỹ, các công tố viên phải xử lý những cáo buộc về lừa đảo và chèn ép cử tri.

Liên minh gồm trên 100 nhóm bảo vệ quyền bầu cử cho biết có 4.500 tình nguyện viên đã sẵn sàng làm việc tại trung tâm điều phối ở thủ đô Washington DC và các bang của Mỹ. Tổ chức này cũng tham gia giám sát bầu cử ở 28 bang.

Hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên báo chí sẽ theo dõi quá trình bầu cử tại Mỹ. Mục tiêu của họ là phát hiện và đưa tin về các vấn đề liên quan tới việc bỏ phiếu trong ngày 8/11.

Các nhà quan sát ở châu Âu và Nam Mỹ đang chờ đợi xem nền dân chủ của Mỹ có thể chịu được áp lực từ trong chính hệ thống chính trị của nước này, cũng như trước các yếu tố từ bên ngoài hay không.

Nhiều vấn đề được dự đoán xảy ra, đặc biệt là ở các bang miền nam, nơi có thể tự do thay đổi quy trình bỏ phiếu mà không cần thông qua chính phủ liên bang. 14 bang vừa áp dụng các điều luật bầu cử mới như Arizona hay New Hampshire cũng có thể đối mặt với nhiều khó khăn.

Hàng nghìn người giám sát gian lận bầu cử tổng thống Mỹ ảnh 1

Bầu cử tại bang New Hampshire đã gặp một số vấn đề. Ảnh: AFP.

Wade Henderson, chủ tịch Hội nghị lãnh đạo về Quyền Dân sự và con người (LCCHR), cảnh báo quá trình bỏ phiếu năm nay có thể trở thành cuộc bầu cử nhiều vấn đề nhất trong 50 năm qua. Ông Henderson đã nhắc tới những cuộc biểu tình quy mô lớn gắn liền với bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968.

Vấn đề dễ gặp nhất xảy ra với mọi cuộc bầu cử, như sự cố máy tính hay các điểm bỏ phiếu không mở cửa. Nhiều cử tri đã phải chờ đợi tại bang Bắc Carolina và Texas trong giai đoạn bầu cử sớm.

Nhiều điểm bỏ phiếu tại thành phố New York đã phải mở cửa muộn, tạo ra hàng dài người chờ đợi. Máy tính bầu cử tại bang Virginia cũng gặp vấn đề, trong khi bang Pennsylvania nhận được các lời đe dọa từ một số cử tri.

Chris Calvert, một cử tri tại khu vực bầu cử số 48 của bang Philadelphia, cho biết cả hai máy tính tại nơi bỏ phiếu đều đã hỏng. "Không ai có thể thực hiện quyền công dân của mình, hàng trăm người đang rất tức giận", USA Today dẫn lời Calvert. Luật liên bang Mỹ yêu cầu điểm bỏ phiếu phải cung cấp phiếu bầu cử bằng giấy trong trường hợp như vậy.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG