Hàng trăm người Syria thương vong vì vũ khí hóa học?

Một người Syria được báo chí phương Tây chú thích là nạn nhân vụ tấn công hóa học tối 7/4 đang được điều trị. Ảnh: Getty Images.
Một người Syria được báo chí phương Tây chú thích là nạn nhân vụ tấn công hóa học tối 7/4 đang được điều trị. Ảnh: Getty Images.
TP - Nhiều báo phương Tây đưa tin, một vụ tấn công hóa học tối 7/4 tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus của Syria, nơi phiến quân đang chiếm đóng, đã làm ít nhất  42 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Quân chính phủ Syria phủ nhận cáo buộc gây ra vụ tấn công này và cho rằng các nhóm phiến quân đang tung tin giả mạo.

Báo chí phương Tây hôm qua đăng một số video và hình ảnh nhiều thi thể người chết, trong đó có trẻ em. Các nhân viên cứu trợ được dẫn lời nói rằng, vụ tấn công làm ít nhất 42 người thiệt mạng, hàng trăm người khác được cho là phơi nhiễm hợp chất organophosphorus, một chất độc thần kinh gây chết người và thường được dùng trong thuốc trừ sâu.

Một nhân viên y tế nói: “Nó diễn ra gần hầm trú ẩn và khí độc được lan ra rất nhanh ở nơi được cho là an toàn. Những người bị thương đến với chúng tôi trong trạng thái đã mất kiểm soát, nhiều người bị ngạt do nồng độ khí cao. Và nhiều người đã đến với chúng tôi quá muộn. Tình hình rất xấu”.

Truyền thông nhà nước Syia đã phủ nhận cáo buộc cho rằng lực lượng chính phủ gây ra vụ tấn công hóa học và cho rằng các phiến quân ở Douma đang trong tình trạng giãy chết và tung tin giả mạo. Hãng thông tấn Sana trích dẫn nguồn tin chính thống cho rằng, nhóm phiến quân Jaish al- Islam đã thực hiện vụ tấn công hóa học này nhằm cản bước tiến của quân đội Syria.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hoàn toàn giả mạo. Đồng thời cảnh báo rằng, mọi hoạt động quân sự dựa trên chứng cứ giả mạo hoặc bịa đặt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Cả gia đình thiệt mạng

Các nhân viên cứu trợ cho rằng, số lượng nạn nhân chưa dừng lại do thiếu thiết bị bảo hộ. Theo họ, các nạn nhân có triệu chứng ngạt thở, da tím tái, sùi bọt mép và phát ra mùi giống như clo. Một phóng viên địa phương có mặt gần tòa nhà bị tấn công kể: “Vụ ném bom diễn ra ở khu vực có nhiều trạm y tế và rồi khí độc được thả xuống tòa nhà gần đó. Các gia đình đã vô cùng hoảng loạn. Tôi đi đến một bệnh viện dưới lòng đất, bụi mù mịt phủ kín đường hầm, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Mọi người chạy tán loạn và không biết phải làm gì, phụ nữ than khóc, còn các y tá tất bật chạy cứu chữa các nạn nhân. Có nhiều gia đình toàn bộ thành viên đều thiệt mạng, nằm trên đất và được phủ chăn lên người”.

Vụ tấn công xảy ra sau khi lệnh đình chiến kéo dài được vài ngày nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận giữa chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phiến quân trong việc trục xuất phe nổi dậy ra khỏi Douma. Tuy nhiên, các phiến quân địa phương nói rằng họ muốn ở lại thành phố.

Tổng thống Syria đã giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ miền đông Ghouta trong một chiến dịch quân sự dưới sự hậu thuẫn của Nga kể từ tháng 2 đến na, chỉ còn lại Douma vẫn thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Ngày 6/4, các lực lượng chính phủ bắt đầu tấn công Douma một lần nữa. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, đây là một trong những trận chiến khủng khiếp nhất trong 7 năm nội chiến, làm thiệt mạng hơn 1.600 thường dân. Hàng chục ngàn thường dân và chiến binh nổi dậy đã buộc phải rời bỏ miền đông Ghouta hoặc các khu vực do chính phủ kiểm soát trong những tuần gần đây.

Các phương tiện truyền thông của nhà nước Syria và ủy ban đàm phán địa phương ở Douma cho biết, các cuộc đàm phán đã nối lại vào sáng 8/4 nhằm đạt được thỏa thuận sau vụ giao tranh mới nhất.

Theo Theo The Guardian
MỚI - NÓNG