'Hành động của Trung Quốc giúp Mỹ tăng quan hệ'

'Hành động của Trung Quốc giúp Mỹ tăng quan hệ'
TP - Những hành động của Bắc Kinh trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không chỉ có nguy cơ trở thành tính toán sai lầm mà còn giúp Washington củng cố quan hệ với các nước khác trong khu vực, Chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Herbert Carlisle, nhận định hôm qua.

> Đọ sức chiến lược biển Đông: ‘Đấu văn’ và ‘đấu võ’
> 'Trung Quốc hung hăng càng giúp Mỹ thêm quan hệ'

Tướng Mỹ Herbert Carlisle. Ảnh: USAF
Tướng Mỹ Herbert Carlisle. Ảnh: USAF.

Phát biểu với báo giới tại Washington, ông Carlisle cũng cho rằng, các hành động của Trung Quốc đang giúp Mỹ mở rộng quan hệ trong khu vực, gần đây nhất là Washington và Manila thông báo tăng cường đối thoại về hợp tác quân sự.

“Thực tế là một số hành động tương đối hung hăng của họ (Trung Quốc) đang đưa các bạn bè của chúng tôi lại gần hơn và họ đang dựa vào chúng tôi để tồn tại”, ông Carlisle nói.

Hôm qua, Mỹ điều thêm 12 máy bay trực thăng đa năng thế hệ mới MV-22 Osprey tới một căn cứ quân sự tại tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản, để tăng cường cho căn cứ không quân Futenma thuộc tỉnh miền nam Okinawa, Japan Daily Express đưa tin. Cùng với 12 máy bay Osprey đồn trú tại Nhật Bản từ tháng 10/2012, Mỹ hiện có tổng số 24 chiếc máy bay chiến đấu đa năng loại này tại xứ sở mặt trời mọc.

Theo tướng Carlisle, Mỹ đang chuyển trọng tâm ngoại giao và quân sự sang châu Á - Thái Bình Dương một phần vì các hành động của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Carlisle bày tỏ lo ngại những hành động của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho các phản ứng rộng hơn. “Đó là môi trường phức tạp, thay đổi liên tục. Mọi hành động đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường và hiệu ứng đi kèm”, ông nói.

Không chỉ mua vũ khí từ các nhà cung cấp ở Mỹ, các đồng minh của nước này còn muốn Washington tăng cường hiện diện để đối trọng với Trung Quốc, ông Carlisle nói.

Một nửa số máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ đang ở khu vực Thái Bình Dương. Căn cứ ở nước ngoài đầu tiên cho máy bay chiến đấu F-35 mới (do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo) cũng sẽ ở châu Á; máy bay do thám không người lái Global Hawks (của tập đoàn Northrop Grumman) cũng sẽ được đưa tới khu vực này.

Ông Carlisle nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, dù phải giảm ngân sách quốc phòng theo lộ trình giảm chi tiêu chính phủ.

Philippines chuyển căn cứ để dễ ứng phó

Báo Philippine Star của Philippines ngày 30/7 đưa tin, nước này vừa thông báo kế hoạch di chuyển một phần lực lượng không quân và hải quân cùng các tàu chiến, máy bay chiến đấu của họ tới vịnh Subic ở phía tây bắc thủ đô Manila nhằm rút ngắn khoảng cách tiếp cận biển Đông. “Điều đó là để bảo vệ biển Tây Philippines (tức biển Đông)”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazimin tuyên bố hôm Chủ nhật.

Tàu khu trục Mỹ USS Fitzgerald cập cảng căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic ở thành phố Olongapo hồi tháng 6. Ảnh: David Bayarong a
Tàu khu trục Mỹ USS Fitzgerald cập cảng căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic ở thành phố Olongapo hồi tháng 6. Ảnh: David Bayarong a.

Vịnh Subic, cách Manila 80km về phía đông bắc và cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý, trở thành cảng tự do sau khi quân đội Mỹ rời đi vào năm 1992.

Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch di chuyển căn cứ quân sự của Philippines sẽ có lợi cho Mỹ và các đồng minh khác, vì họ dễ dàng tiếp cận cảng biển nước sâu chiến lược vì mục đích quân sự.

Kế hoạch này được thông báo ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Manila cuối tuần trước. Trong chuyến thăm, ông Abe khẳng định sẽ cho Philippines vay tiền để trang bị thêm 10 tàu tuần duyên.

Hãng tin AP ngày 30/7 trích nguồn tin quân sự Philippines cho biết, nếu đóng quân tại vịnh Subic, thời gian máy bay chiến đấu của Philippines di chuyển đến biển Đông sẽ giảm hơn 3 phút so với việc bay từ căn cứ không quân Clark ở phía bắc Manila hiện nay.

Khu vực cảng nước sâu tự nhiên sẽ chứa được 2 chiến hạm cỡ lớn mà Philippines mới đây mua của Mỹ, cũng như sẽ có thể đón các đoàn quân sự Mỹ đến thăm. Các chiến hạm và chiến đấu cơ sẽ tiếp cận căn cứ quân sự dễ dàng hơn, nhằm tăng cường tập trận chung.

Năm 2011, một chiếc tàu bảo vệ bờ biển đã qua sử dụng của Mỹ trở thành tàu chiến lớn nhất của Philippines. Ngày 6/8 tới, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III sẽ chủ trì lễ đón con tàu thứ hai từ Mỹ về Manila, Hải quân nước này thông báo.

Philippine Star đưa tin, Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Luzon (Nolcom) của Philippines sẽ chuyển từ hoạt động bảo đảm an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ từ năm 2014, tập trung vào khu vực bờ biển Luzon trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.

Philippine Star đưa tin, Philippines không chỉ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất không quân và hải quân. Một quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines gần đây nói rằng, một phần của khoản kinh phí sẽ được dùng để xây một căn cứ hỗ trợ trên biển Đông để phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp trên biển.

Theo AP, giới chức quân đội Philippines cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp căn cứ ở vịnh Subic cần ít nhất 119 triệu USD. Dự kiến, khoản tiền này sẽ được chi cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển trong năm nay hoặc sang năm.

Báo China Daily của Trung Quốc dẫn lời ông Su Hao, giáo sư nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng, khoản chi phí trên rất cao đối với Philippines, nhưng kế hoạch sẽ vẫn được thực hiện với sự trợ giúp của Mỹ.

Tuy nhiên, dù Mỹ có tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vai trò của Mỹ ở khu vực này trong tương lai vẫn chưa sáng tỏ. “Mỹ muốn xem Manila gây đe dọa cho Trung Quốc hoặc hậu thuẫn Manila từ sau cánh gà, nhưng họ sẽ không muốn xung đột trực tiếp với Trung Quốc”, ông Su nhận định.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên biển

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn liên quan chủ quyền lãnh thổ, Thượng viện Mỹ ngày 29/7 (giờ địa phương) thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông, Kyodo đưa tin hôm 30/7.

Nghị quyết này có đoạn: “Thượng viện chỉ trích việc sử dụng sức ép, đe dọa hoặc vũ lực của các tàu hải quân, an ninh hàng hải, hoặc tàu cá và máy bay quân sự hay dân sự trên biển Đông và biển Hoa Đông để khẳng định tuyên bố chủ quyền biển, lãnh thổ tranh chấp hoặc thay đổi
hiện trạng”.

Nghị quyết được đưa ra sau khi các tàu Trung Quốc liên tục đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản quản lý), bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế, Kyodo đưa tin.

Ông Obama đưa ra lời kêu gọi khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6. Theo nghị quyết này, Mỹ có lợi ích quốc gia nằm trong việc tàu thuyền, máy bay tự do đi lại trên vùng biển châu Á - Thái Bình Dương”.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.