Hành khách được bảo "ngồi im" khi phà Hàn Quốc chìm

Bức ảnh do một người sống sót chụp cho thấy hành khách cố gắng tìm cách giữ thăng bằng khi phà bị nghiêng và đang chìm dần.
Bức ảnh do một người sống sót chụp cho thấy hành khách cố gắng tìm cách giữ thăng bằng khi phà bị nghiêng và đang chìm dần.
Rất nhiều người sống sót cho biết phà Sewol đã liên tục phát thông báo của thuyền trưởng rằng hành khách được yêu cầu ngừng di chuyển, khi phà bị nghiêng và đang chìm.

Cú sốc về thảm họa đắm phà Hàn Quốc, có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm học sinh, hôm nay còn kéo theo cả sự giận dữ, khi xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy hành khách đã bị bỏ lỡ cơ hội thoát chết vì chỉ dẫn "ngồi im" của thuyền trưởng.

Theo thông tin được giới chức Hàn Quốc thông báo vào sáng nay, 9 người được xác nhận là đã thiệt mạng trong khi 287 người vẫn mất tích trong vụ đắm phà chở 459 người vào ngày 16/4 ở ngoài khơi miền nam Hàn Quốc.

Hành khách ngồi im “30-40 phút” theo chỉ dẫn

Rất nhiều người sống sót cho biết phà Sewol đã liên tục phát thông báo của thuyền trưởng rằng hành khách được yêu cầu ngừng di chuyển, ở yên tại ghế ngồi hoặc trong phòng họ để tránh làm trầm trọng thêm tình hình, khi phà bị nghiêng và đang chìm dần vào sáng ngày thứ tư.

“Cháu chạy về phòng sau khi nghe thấy thông báo đó. Nhưng dường như có gì đó không ổn”, một nữ học sinh đã nhảy xuống nước lạnh và sống sót cho biết với một đài truyền hình địa phương. Cô bé đã bị thương ở tay.

Đội cứu hộ vẫn còn ở rất xa khi phà bắt đầu nghiêng về mạn trái. Vì vậy mà hành khách ở bên mạn trái, nếu làm theo chỉ dẫn, có thể đã bị mắc kẹt ở bên trong. Trong khi đó những người ở bên mạn phải của phà đã nhảy xuống biển. “Tôi phải sống”, một người sống sót khác, bị thương ở tay phải, cho hay.

Trong khi đó, một đoạn video quay bằng điện thoại từ bên trong phà cũng có vẻ như cho thấy hành khách đang ngồi đợi một cách trật tự để được cứu.

Một người sống sót có tên Kim Sung-Mook cho biết anh đã vật lộn để cứu khoảng 30 học sinh đã không thể thoát ra khỏi một phòng lớn ở tầng 4 của phà.

“Tôi thậm chí không thể vào được trong phòng bởi mọi thứ đều bị nghiêng”, Kim cho hay. “Phà đang chìm xuống nước và không có gì cho chúng bám. Chúng không thể bò trên mặt sàn, bởi sàn ướt và dốc”, anh cho hay.

Sau đó anh đã dùng ống dây cứu hỏa để kéo được một số em ra ngoài, song “vẫn còn nhiều em…Tôi không thể giúp hết được.”

Một học sinh được cứu sống cho biết hầu hết hành khách vẫn ngồi ở nguyên trên ghế khoảng “30-40 phút” sau khi tàu bắt đầu bị chìm, theo đúng chỉ dẫn từ thủy đoàn qua hệ thống loa.

“Thông điệp được nhắc đi nhắc lại. “Hãy ngồi im”, “Không di chuyển”, hành khách Huh Young-Ki cho hay. “Chúng tôi đã tự hỏi: Sao chúng tôi lại không được di chuyển. Sao chúng tôi lại không thử ra ngoài? Nhưng thông báo nói hỗ trợ sẽ đến trong vòng 10 phút nữa”, Hud cho biết trên kênh News Y.

“Hầu hết học sinh đều tuân theo chỉ dẫn”

Thuyền trưởng phà Sewol, Lee Joon-Seok, nằm trong số những người thoát ra khỏi được phà trước khi nó đắm. Hiện ông đang bị thẩm vấn.

325 học sinh cùng với 15 giáo viên đã có mặt trên phà, trong số 9 người chết, có ít nhất 4 em là học sinh và con số này sẽ còn tăng khi gần 300 người vẫn còn đang mất tích.

Kỷ luật trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc vô cùng nghiêm khắc, chính vì vậy mà giới quan sát cho rằng hầu hết học sinh, trong độ tuổi “teen”, trên phà đều có thể đã tuân theo mọi chỉ dẫn chính thức không một chút do dự.

“Nếu chúng cháu được bảo ra ngoài sớm hơn, thì sẽ có nhiều người có thể nhảy được xuống biển”, một học sinh đã tự xoay xở thoát ra ngoài cho biết trên kênh truyền hình MBC. “Nhưng hầu hết mọi người chỉ ngồi đó như được bảo”, cô bé nói thêm.

Vì vậy cho đến nay, khi mới có 179 người được cứu, có thể hầu hết 287 người mất tích vẫn mắc kẹt bên trong phà khi nó bị chìm.

Jin Kyo-Joong, cựu chỉ huy đội trục vớt tàu của Hải quân Hàn Quốc, cho rằng trong một số tình huống khẩn cấp, việc giữ hành khách không di chuyển rất quan trọng. Nhưng “nếu tàu bị nghiêng nhanh tới mức mọi người không thể di chuyển được, thì ra lệnh cho họ ngồi im rõ ràng là sai”, ông cho biết trên kênh truyền hình Hàn Quốc YTN.

Theo Vũ Quý

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.