Hành trình tìm kiếm máy bay mất tích

Hành trình tìm kiếm máy bay mất tích
TPO - Hôm nay, 2/6, đội máy bay quân sự của Pháp và Brazil vẫn đang tiếp tục công tác tìm kiếm chiếc phi cơ Airbus A-330-200, chở 228 người, bị mất tích ở khu vực Đại Tây Dương.

>> Bí ẩn quanh vụ mất tích máy bay Air France

Ông Pierre-Henry Gourgeon, Giám đốc điều hành của hãng hàng không Pháp Air France, cho biết, phạm vi của cuộc tìm kiếm hôm nay đã được thu hẹp lại trong khoảng vài hải lý giữa Brazil và Tây Phi.

Một quan chức trong Bộ Quốc phòng Pháp cho hay, chính phủ nước này đã liên lạc với Lầu Năm góc để “xin truy cập các dữ liệu vệ tinh và trạm nghe lén nhằm tìm ra dấu vết chiếc máy bay mất tích”.

* Chiếc Airbus 300-200 cất cánh từ Rio de Janeiro (Brazil) vào 7h tối ngày 31/5, và dự kiến sẽ hạ cánh ở sân bay Charles de Gaulle, thủ đô Paris (Pháp) vào 11h15’ trưa ngày 1/6.

Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã mất tin hiệu liên lạc khi đang bay ngang qua vùng ngoài khơi Brazil.

* Chiếc Airbus A-330-200 chở tất cả 228 người, gồm 216 hành khách và 12 phi hành gia. Hành khách trên máy bay thuộc 32 quốc tịch khác nhau, nhưng đa số là người Pháp và Brazil.

Cuộc tìm kiếm có sự tham gia của 3 máy bay Pháp đóng tại Dakar, Senegal, và 1 tàu chiến trong vịnh Guinea. Brazil đã gửi 7 chiến đấu cơ và 3 tàu chiến. Ngoài ra, Tây Ban Nha và Senegal cũng điều máy bay tới hỗ trợ.

Francois Brousse, phát ngôn viên của Air France cho biết, chiếc Airbus đã lao vào khu vực có bão 4 giờ sau khi cất cánh từ thành phố Rio de Janeiro. Một vài chi tiết trong động cơ của máy bay đã gặp sự cố, khiến nó không thể liên lạc được với trung tâm kiểm soát hàng không.

Một khả năng đặt ra là có thể chiếc máy bay gặp sự cố do bị sét đánh.

Ông Henry Margusity, một chuyên gia khí tượng cao cấp của Pháp nhận định: “Ở độ cao 10.670m, có thể máy bay của Air France đã lao thẳng vào trung tâm cơn bão”.

Các quan chức Pháp cho biết thêm, trong lần phát tín hiệu cuối cùng, máy bay đã tự báo động chập mạch rồi ngay lập tức biến mất.

Phát biểu trước báo giới hôm 1/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp Jean-Louis Borloo cho rằng, chiếc máy bay đã gặp nạn song có thể loại trừ khả năng bị không tặc tấn công. 

Ông nói: “Tính đến thời điểm này, chiếc máy bay đã sử dụng hết nhiên liệu dự trữ. Thật không may là đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới tình huống xấu nhất”. 

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tới gặp thân nhân của các hành khách đạng bị mất tích tại sân bay Charles de Gaulle. Ông nói: “Tôi đã nói với họ sự thật rằng, cơ hội tìm được người sống sót bây giờ là rất nhỏ”.

Giả sử trong trường hợp xấu nhất, nếu không có ai sống sót thì đây sẽ là vụ tai nạn có số người tử vong nhiều nhất trong lịch sử 75 năm hoạt động của hãng Air France. 

Thu Thảo
Theo Reuters, BBC, Tân Hoa Xã

MỚI - NÓNG