Hậu quả dai dẳng 18 năm sau khủng bố 11/9

Khu vực tưởng niệm sự kiện 11/9 tại New York. (Ảnh: AP)
Khu vực tưởng niệm sự kiện 11/9 tại New York. (Ảnh: AP)
TPO - Người Mỹ hôm nay tưởng niệm ngày 11/9 bằng nhiều nghi lễ thê lương, hoạt động tình nguyện và những lời phải quan tâm nhiều hơn đến các cuộc tấn công khủng bố.

Khá đông thân nhân của các nạn nhân dự kiến sẽ có mặt tại vị trí số không trong ngày 11/9, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump có lịch sẽ tham dự buổi tưởng niệm tại Lầu Năm góc. Phó Tổng thống Mike Pence sẽ có bài phát biểu tại vị trí hứng vụ tấn công thứ ba, ở nơi gần Shanksville, bang Pennsylvania.

Cựu Tổng thống George W. Bush, vị tổng tư lệnh vào thời điểm xảy ra các cuộc tấn công năm 2001, dự kiến sẽ viếng bằng hoa vào buổi chiều tại Lầu Năm góc. 

18 năm sau loạt tấn công khủng bố khiến nhiều người chết nhất trên đất Mỹ, quốc gia này vẫn đang vật lộn với hậu quả của chúng tại địa điểm số không, trong Quốc hội và xa hơn nữa. Hậu quả của các vụ tấn công vẫn hiện hữu từ các điểm kiểm soát an ninh sân bay đến Afghanistan. Một quả rocket phát nổ ở đại sứ quán Mỹ khi lễ tưởng niệm bắt đầu ở Afghanistan, nơi cuộc xâm lược hậu 11/9 trở thành cuộc chiến dài nhất của người Mỹ. 

Mọi người nói “sao bà vẫn đứng ở đây, năm này sang năm khác?” bà Chundera Epps, chị gái của một nạn nhân vụ 11/9, anh Christopher Epps, nói trong lễ tưởng niệm năm ngoái tại địa điểm từng là nơi toạ lạc của Trung tâm thương mại thế giới. “Vì những người lính vẫn phải chết cho tự do của chúng ta. Nhiều người vẫn phải hy sinh và hứng chịu đau ốm. Chúng ta không thể quên. Cuộc sống không để chúng ta quên”, bà nói. 

Hoạt động kỷ niệm sẽ tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng khi những chiếc máy bay bị không tặc chiếm đâm xuyên trung tâm thương mại, một phần Lầu Năm góc và một sân vận động gần Shanksville vào ngày 11/9/2001. Tên của tất cả các nạn nhân đều được đọc to tại nơi tưởng niệm ở địa điểm số không. Nghi lễ mặc niệm và rung  chuông được thực hiện đúng vào khoảnh khắc chiếc máy bay đâm vào và toà tháp đôi sụp xuống. 

Nhưng không chỉ thế, trong vài năm gần đây người ta mới hiểu rõ hơn về những đau đớn của những người phải lao vào hiện trường năm ấy: những người lính cứu hoả, cảnh sát và những người mất mạng hoặc mắc bệnh sau khi phơi nhiễm với đổ nát và chất độc. 

Trong khi nghiên cứu vẫn tiếp tục được thực hiện để xác định những người mắc bệnh vì chất độc vụ 11/9, một quỹ bồi thường nạn nhân cho những người ốm đau sau liên quan đến đợt khủng bố đó cho đến nay đã vận động được 5,5 tỷ USD. Hơn 51.000 người đã đăng ký hưởng trợ cấp từ quỹ này. 

Sau nhiều năm tắc nghẽn ở khâu lập pháp, khoản tiền của quỹ ngày càng teo lại vì ủng hộ nhiệt thành những người đầu tiên ứng phó với sự cố, Quốc hội Mỹ vào mùa hè năm nay đã có quyết định giúp quỹ không cạn kiệt. Ông Trump ký luật đó từ tháng 7 năm nay. 

Những người mắc bệnh vì ứng phó với thảm hoạ cũng nhận được một sự công nhận mới khi một đài tưởng niệm vừa được dựng lên ở địa điểm số không vào mùa xuân năm nay. 

Đài tưởng niệm gồm 6 khối đá granite lớn gia cố bằng thép còn sót lại của trung tâm thương mại là công trình tưởng nhớ “những người đã có hành động cần thiết dẫn đến việc họ bị thương, bị ốm hoặc thiệt mạng”. Không có cái tên cụ thể nào được khắc lên đây. 

11/9 không chỉ là ngày tưởng niệm và tôn vinh lòng yêu nước mà còn là ngày phục vụ. Người dân trên khắp nước Mỹ vẫn tiếp tục làm công việc thiện nguyện ở các ngân hàng thực phẩm miễn phí, trường học, các dự án xây nhà, dọn dẹp công viên và những nỗ lực từ thiện khác để biến ngày tưởng niệm đau thương trở nên ý nghĩa.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG