Hé lộ bí mật nhà tù Guantanamo

Hé lộ bí mật nhà tù Guantanamo
Trang web WikiLeaks một lần nữa trêu ngươi chính quyền Mỹ khi tung ra hơn 700 tài liệu mật về nhà tù Guantanamo. Các bằng chứng cho thấy, Washington bắt nhiều người vô tội, thả những kẻ nguy hiểm, sử dụng thủ đoạn tàn nhẫn để lấy lời khai của tù nhân.

Hé lộ bí mật nhà tù Guantanamo

> Hạ viện cấm chuyển tù nhân Guantanamo về Mỹ
> Mỹ xử chủ mưu vụ khủng bố 11-9 ở tòa án binh

Trang web WikiLeaks một lần nữa trêu ngươi chính quyền Mỹ khi tung ra hơn 700 tài liệu mật về nhà tù Guantanamo. Các bằng chứng cho thấy, Washington bắt nhiều người vô tội, thả những kẻ nguy hiểm, sử dụng thủ đoạn tàn nhẫn để lấy lời khai của tù nhân.

Các tù binh tại nhà tù Guantanamo. Ảnh: Reuters
Các tù binh tại nhà tù Guantanamo. Ảnh: Reuters.

Tập tài liệu đăng trên WikiLeaks và nhiều tờ báo lớn như New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), Der Spiegel (Đức)... là các bản đánh giá của giới tình báo quân sự Mỹ, dù chưa rõ nguồn cung cấp, đối với 780 người từng bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo từ tháng 2-2002 đến tháng 1-2009.

Khoảng 220 tù nhân bị xếp vào loại “tội phạm khủng bố nguy hiểm”, nhưng lại có đến 150 người Afghanistan và Pakistan được xác nhận là “vô tội”, bao gồm lái xe, nông dân, đầu bếp... bị bắt giữ trong các chiến dịch tình báo sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Giam người vô tội, thả kẻ nguy hiểm

Vẫn là những lời hứa!

Nhà Trắng từng cam kết và từng tái cam kết sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo.

Tổng thống Barack Obama cũng từng cam kết sẽ đóng cửa nhà tù khét tiếng này. Nhưng từ đó, hơn hai năm đã trôi qua, những lời hứa như gió thoảng qua và không ai biết đến bao giờ điều đó mới diễn ra.

Tập tài liệu mật cho thấy các quan chức quân sự và tình báo Mỹ đã mắc nhiều sai lầm trong việc bắt giữ và đánh giá các tù nhân Guantanamo. Trong số 150 người vô tội, có rất nhiều người bị giam giữ trong nhiều năm vì bị nhận dạng sai hoặc đơn giản là có mặt không đúng lúc, đúng chỗ.

Tháng 5-2003, lực lượng Afghanistan bắt giữ tù binh số hiệu 1051, một người Afghanistan tên Sharbat, gần hiện trường một vụ đánh bom. Sharbat phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom và khẳng định anh là một người chăn cừu.

Tại Guantanamo, các chuyên gia thẩm vấn và phân tích phát hiện Sharbat không biết gì về quân sự, chính trị, trong khi lại rất rành rẽ về chăn nuôi gia súc, do đó xác nhận Sharbat không phải là đối tượng nguy hiểm. Tuy nhiên, một tòa án binh vẫn xếp Sharbat vào loại “phiến quân thù địch” và giam giữ anh tới tận năm 2006.

Năm 2003, Naqib Ullah, 14 tuổi, bị đưa đến Guantanamo suốt một năm. Chỉ đến khi các nhân viên điều tra xác nhận cậu bé là nạn nhân bị bắt cóc thì mới được đưa về Afghanistan.

Năm 2002, quân Mỹ bắt giữ Haji Faiz Mohammed ở Afghanistan sau một trận càn. Các chuyên gia y tế xác nhận người đàn ông 70 tuổi này bị bệnh mất trí, và quân đội Mỹ kết luận không có lý do gì để đưa ông tới Guantanamo. Tuy nhiên, Haji vẫn bị chuyển đi.

Tương tự, ông Mohammed Sadiq, 89 tuổi, bị bắt giữ ở Afghanistan năm 2002 và trở thành tù binh cao tuổi nhất tại Guantanamo. Các xét nghiệm cho thấy ông mắc bệnh trầm cảm, viêm khớp, mất trí nhớ do lão suy. Sau sáu tuần, các nhân viên điều tra xác định ông không phải là thành viên của Al-Qaeda. Nhưng mãi bốn tháng sau ông mới được đưa về nước.

Bắt nhiều người vô tội, nhưng quân đội Mỹ tại nhà tù Guantanamo lại trả tự do cho những tay tội phạm khủng bố cực kỳ nguy hiểm.

Năm 2001, lính Mỹ bắt giữ Said Mohammed Alam Shah, người Afghanistan, 24 tuổi, và đưa đến Guantanamo. Ở đó, Shah khai là muốn cứu cậu em trai từ tay quân Taliban. Các chuyên gia phân tích tin rằng Shah “không có ý tưởng thù địch đối với nước Mỹ và đồng minh” và kết luận nghi can này “không phải là nguy cơ đối với Mỹ và các lợi ích Mỹ”. Năm 2004, Shah được đưa trở lại Afghanistan.

Ngay sau khi được tự do, hắn đã tiết lộ mình là Abdullah Mehsud, sinh tại Pakistan. Mehsud dẫn đầu binh đoàn 5.000 lính Taliban tấn công quân Mỹ, thực hiện vụ tấn công bộ trưởng nội vụ Pakistan làm 31 người thiệt mạng, bắt cóc hai kỹ sư người Trung Quốc làm việc cho một dự án thủy điện ở Pakistan, và cuối cùng tự sát bằng lựu đạn khi bị an ninh Pakistan truy lùng.

Đích thân trùm khủng bố Osama Bin Laden đã lên tiếng ca ngợi Mehsud.

Tra tấn tàn bạo

Tập tài liệu mật còn cho thấy các cai ngục Mỹ tại nhà tù Guantanamo thường xuyên sử dụng các biện pháp tra tấn rất tàn nhẫn. Một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là vụ tra tấn Mohammed Qahtani (người Saudi Arabia) và Mohammed Ould Salahi (người Mauritania) bị nghi ngờ là đồng phạm tham gia vụ tấn công khủng bố 11-9.

Qahtani bị tra tấn từ năm 2002, khoảng 20 giờ mỗi ngày trong suốt 48 ngày. Qahtani bị lột trần truồng, bị xiềng xích, đánh đập và không được ngủ, phải uống nước tiểu của mình và thậm chí còn bị xâm hại tình dục. Thủ đoạn tra tấn này cũng được lặp lại đối với Salahi.

Các cai ngục còn áp dụng chiêu trấn nước, giam tù nhân trong bóng tối và ép họ nghe nhạc rock đinh tai 24/24h. Tù nhân Binyam Mohamed, người được đưa trở lại Anh tháng 2-2009, cho biết do bị tra tấn quá sức chịu đựng, anh đã buộc phải tự nhận là tham gia một chiến dịch nổ bom bẩn ở Mỹ.

Các tài liệu cho thấy, nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng từng có mặt ở Guantanamo và đã phản đối việc tra tấn tù nhân để lấy lời khai, bởi lời khai lúc đó thường không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, các điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và giới điều tra quân sự Mỹ đã gạt FBI sang một bên để tiếp tục thủ đoạn tra tấn này. CIA và quân đội Mỹ vẫn ương ngạnh tuyên bố thông tin moi từ việc tra tấn tù binh là “đáng tin cậy” và “có khả năng cứu mạng người”.

Ở Washington, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell cũng như cố vấn an ninh quốc gia (sau này là ngoại trưởng) Condoleezza Rice không tán đồng việc tra tấn, nhưng tổng thống George Bush và phó tổng thống Dick Cheney cương quyết ủng hộ.

Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG