Hé lộ lí do các tay súng bắn tỉa hạ 5 cảnh sát Mỹ

Hé lộ lí do các tay súng bắn tỉa hạ 5 cảnh sát Mỹ
TP - Tay súng bắn hạ cảnh sát thành phố Dallas, bang Texas nói rằng, anh ta muốn giết người da trắng, đặc biệt là sĩ quan vì bức xúc trước việc cảnh sát bắn người da màu. Trong vụ đấu súng hôm qua ở Dallas, một hoặc nhiều tay súng bắn tỉa đã bắn chết 5 cảnh sát.

Đây là thiệt hại lớn nhất đối với lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ kể từ đợt tấn công khủng bố 11/9/2001, và khiến mối quan hệ giữa những người có màu da khác nhau ở Mỹ càng căng thẳng hơn.

Lãnh đạo cảnh sát thành phố Dallas, ông David Brown, ngày 8/7 nói rằng, trong đám đông tuần hành phản đối cảnh sát bắn chết người da màu, các tay súng bắn tỉa hôm qua đã sát hại 5 sĩ quan (đang bảo vệ đoàn biểu tình), bắn bị thương 7 người khác. 

Báo chí Mỹ đưa tin, một tay súng bị cảnh sát tiêu diệt tên là Micah Johnson. Ông Brown nói rằng, Johnson bị tiêu diệt sau khi cảnh sát dùng robot để đưa thuốc nổ vào tòa nhà mà anh ta đang bị bao vây. Trước đó, anh ta nói chuyện với một người đàm phán. “Anh ta nói mình đau khổ vì Black Lives Matter (phong trào phản đối cảnh sát bắn người da màu). 

Anh ta nói mình khó chịu về các vụ cảnh sát bắn súng (nhằm vào người da màu) gần đây. Anh ta nói mình khó chịu với người da trắng, muốn giết họ, đặc biệt là sĩ quan da trắng”, ông Brown nói với các phóng viên. Johnson nói mình không liên quan tới bất kỳ nhóm nào, anh ta hành động một mình. Tuy nhiên, cảnh sát tin rằng, phải có ít nhất 2 tay súng tham gia vụ tấn công cảnh sát.

Vụ đấu súng nổ ra lúc 20h45 hôm thứ Năm (tức 8h45 ngày 8/7 theo giờ Việt Nam), khi những người biểu tình diễu hành khắp thành phố Dallas, để phản đối việc cảnh sát bắn chết hai thanh niên da màu ở nơi khác (một người tên là Philando Castile ở bang Minnesota và một người tên là Alton Sterling ở bang Louisiana). Cảnh sát Dallas nói rằng, các tay súng bắn tỉa đã phục kích họ và đây là vụ tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

>>Khoảnh khắc cảnh sát Mỹ bị tay súng ở Dallas bắn từ sau lưng

>>Nghi phạm bắn tỉa với cảnh sát Mỹ đã chết

>>Nghi phạm bắn tỉa cảnh sát Mỹ tuyên bố đặt bom tại trung tâm Dallas

>>Hiện trường hỗn loạn vụ bắn tỉa nhằm vào cảnh sát Mỹ

>>Giây phút cuộc biểu tình Mỹ biến thành trận đấu súng kinh hoàng

>>11 cảnh sát Mỹ thương vong trong cuộc biểu tình ở Dallas

Vụ nã súng mà cảnh sát mô tả là “hành động khủng bố” gây ra cảnh tượng hỗn loạn khi vài trăm người biểu tình bỏ chạy hỗn loạn. Hai thường dân cũng bị bắn thành thương trong đám đông hỗn loạn. Chị Shetamia Taylor, 37 tuổi, kể rằng, chị bị bắn vào chân khi đang đi biểu tình cùng 4 cậu con trai. 

Một nhân chứng kể rằng, cảnh tượng ở khu vực diễn ra biểu tình, gần nơi Tổng thống John F Kennedy bị ám sát năm 1963, cực kỳ hỗn loạn.

 “Có những người da màu, da trắng, người Mỹ Latin. Những người thuộc những chủng tộc khác nhau cùng đến để biểu tình. Và sự việc chẳng đi đến đâu”, ông Cory Hughes, một người tổ chức biểu tình, nói với CNN. “Tôi vẫn đang giật mình, rùng mình. Bạn biết đấy, khi đi ở hàng đầu, cảm giác như những phát đạn đang nhằm vào chúng tôi. Cảnh tượng hoàn toàn hỗn loạn”, ông Hughes kể.

Sau cuộc đấu súng giữa cảnh sát với một nghi phạm tại gara ở trung tâm thành phố, CNN dẫn lời một nguồn tin cảnh sát nói rằng, nghi phạm bị bắn chết, nhưng các báo địa phương đưa tin đối tượng này (Micah Johnson) tự sát.

CNN đưa tin, đội cảnh sát đặc nhiệm SWAT và chó nghiệp vụ được cử đến hiện trường. Nghi phạm nói gara và khu vực trung tâm thành phố đã bị cài bom. Cảnh sát Dallas tìm kiếm khắp khu vực trung tâm nhưng không tìm thấy bom. Các dịch vụ xe buýt và tàu bị tạm hoãn, lệnh hạn chế bay cũng được thực thi.

Ba nghi phạm đang bị tạm giữ, trong đó có một phụ nữ da màu, và những người này “không thực sự hợp tác”, Thị trưởng Dallas, ông Mike Rawlings, nói với báo giới. Một người đàn ông bị bắt oan sau khi giới chức đăng ảnh anh ta (mặc đồ ngụy trang và khoác súng trên vai) để kêu gọi người dân cung cấp thông tin. 

Người dân Texas được phép công khai mang vũ khí nếu có giấy phép. Người đàn ông tên là Mark Hughes sau đó đã được thả. Luật sư của Hughes cho biết, anh này đã nhận được hàng ngàn lời dọa giết.

Chiến tranh thầm lặng

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là “vụ tấn công man rợ, đê hèn và có tính toán nhằm vào lực lượng thực thi pháp luật”, và ông cam kết những kẻ gây ra vụ tấn công sẽ phải chịu trách nhiệm. Phát biểu tại Ba Lan, nơi đang diễn ra một hội nghị thượng đỉnh của NATO, ông Obama cho rằng, nhiều đối tượng đã nhằm vào cảnh sát.

Mẹ của thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết ở Minnesota hôm 7/7 nói rằng, nhiều trường hợp dân thường bị giết dưới tay của lực lượng thực thi pháp luật tạo thành một cuộc chiến thầm lặng chống lại người Mỹ gốc Phi. “Chúng tôi đang bị săn hằng ngày. Đó là cuộc chiến thầm lặng chống lại tất cả những người Mỹ gốc Phi”, bà Valerie Castile nói trong chương trình “New Day” (Ngày mới) của kênh CNN

Trả lời phỏng vấn trong tâm trạng xúc động nghẹn ngào, bà Castiles nói rằng, bà tin cảnh sát vẫn có tư tưởng phân biệt người da màu ở Mỹ. Con trai bà, anh Philando Castile, 32 tuổi, bị bắn chết trong lúc dừng xe ở Falcon Heights, vùng ngoại ô St. Paul. Trước đó 1 ngày, một người đàn ông da màu khác tên là Alton Sterling, 37 tuổi, bị cảnh sát bắn chết ở Baton Rouge, bang Louisiana.

Vợ chưa cưới của anh Castile, chị Diamond Reynolds, đã phát trực tiếp lên Facebook đoạn phim ghi lại vụ việc. Trong đoạn phim đã được xem hơn 3,5 triệu lượt, chị Reynolds nói rằng, viên cảnh sát đã nổ súng khi anh Castile thò tay vào túi lấy ví. Trước đó, cảnh sát yêu cầu anh xuất trình bằng lái và đăng ký xe.

>>Khoảnh khắc cảnh sát Mỹ bị tay súng ở Dallas bắn từ sau lưng

>>Nghi phạm bắn tỉa với cảnh sát Mỹ đã chết

>>Nghi phạm bắn tỉa cảnh sát Mỹ tuyên bố đặt bom tại trung tâm Dallas

>>Hiện trường hỗn loạn vụ bắn tỉa nhằm vào cảnh sát Mỹ

>>Giây phút cuộc biểu tình Mỹ biến thành trận đấu súng kinh hoàng

>>11 cảnh sát Mỹ thương vong trong cuộc biểu tình ở Dallas

MỚI - NÓNG