Hé lộ quá trình phơi bày Hồ sơ Panama

Hồ sơ Panama đang gây chấn động toàn cầu, nhiều nước mở cuộc điều tra. Ảnh: Getty
Hồ sơ Panama đang gây chấn động toàn cầu, nhiều nước mở cuộc điều tra. Ảnh: Getty
TP - Một người tố cáo vô danh đã liên lạc và cung cấp lượng thông tin khổng lồ trong vụ Hồ sơ Panama như thế nào? Tại sao hơn 400 phóng viên phải làm việc bí mật hơn 1 năm trời trước khi đồng loạt công bố thông tin? Một người trong cuộc vừa tiết lộ câu chuyện chấn động này.

So với vụ lộ 7.000 trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc về Chiến tranh Việt Nam cho báo New York Times năm 1971, vụ WikiLeaks đăng tải 1,73 gigabyte chứa các bức điện tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010 thì lượng tài liệu rò rỉ trong vụ Hồ sơ Panama lớn gấp hàng ngàn lần và lập kỷ lục về quy mô, với 2,6 terabyte dữ liệu.

Hôm 3/4, hơn 10 cơ quan báo chí khắp thế giới phối hợp Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trụ sở tại Mỹ, đồng loạt đăng tải nhiều bài viết về Hồ sơ Panama - tập hợp những tài liệu đồ sộ bị rò rỉ, với mong muốn phơi bày hệ thống trốn thuế quy mô toàn cầu. Những tài liệu bị rò rỉ gồm hơn 4,8 triệu email, 3 triệu file dữ liệu, 2,1 triệu file PDF từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Theo nhiều nhà phân tích, Mossack Fonseca chuyên lập ra các công ty vỏ bọc để giúp khách hàng che giấu tài sản của họ.

“Đó có thể là tất cả những tài liệu của công ty này trong suốt 40 năm qua”, Giám đốc ICIJ, ông Gerard Ryle, nói với trang tin Wired. ICIJ và tất cả các thành viên của họ trước đây chưa từng công bố những dữ liệu này. Và việc nhiều hãng tin, tờ báo đồng loạt đăng tải đã gây ra loạt bê bối liên quan nhiều ngôi sao màn bạc, vận động viên, giám đốc công ty và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Không chỉ thế, sẽ còn có những bài viết khác xung quanh hồ sơ này được đăng tải, vì vụ lộ mật này là câu chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Người bí ẩn

Theo nhà báo Ryle, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama bắt đầu từ cuối năm 2014, khi một nguồn tin giấu tên liên lạc với báo Đức Suddeutsche Zeitung. Một phóng viên của báo này tên là Bastian Obermayer kể rằng, một người bí ẩn liên lạc với ông thông qua các cuộc nói chuyện được mã hóa, cung cấp một số dữ liệu nhằm “phơi bày tội ác cho người dân thấy”. Nhưng nguồn tin cũng cảnh báo, mạng  sống của mình bị đe dọa, nên chỉ sẵn sàng liên lạc qua các kênh được mã hóa, và từ chối gặp mặt trực tiếp.

“Chúng ta đang nói về bao nhiêu dữ liệu”, Obermayer hỏi. “Hơn tất cả những gì mà anh từng thấy”, nguồn tin nói với Obermayer. Obermayer nói với trang tin Wired rằng, ông liên lạc với nguồn tin của mình qua nhiều kênh được mã hóa mà họ thường xuyên thay đổi và đều xóa tất cả lịch sử của mỗi lần trao đổi. Obermayer có thể ám chỉ những ứng dụng mã hóa như Signal và Threema, hay hệ thống email mã hóa PGP, nhưng từ chối xác nhận những phương pháp họ đã sử dụng để trao đổi. Mỗi lần nhà báo này và nguồn tin liên lạc lại với nhau, họ sử dụng câu hỏi mà cả hai quy ước trước. “Tôi sẽ nói: “Trời có nắng không? Người đó nói: “Mặt trăng đang mưa”, hoặc bất kỳ thứ vô nghĩa nào đó, để cả hai có thể nhận đúng nhau”, Obermayer kể.

Sau khi nhìn thấy một phần số tài liệu, báo Suddeutsche Zeitung liên lạc với ICIJ - tổ chức từng hỗ trợ phơi bày những vụ rò rỉ lớn về thuế, từng tham gia cuộc điều tra dữ liệu rò rỉ liên quan tài sản bất minh của nhiều cá nhân mà ngân hàng Thụy Sĩ cất giữ. Thành viên của ICIJ bay đến thành phố Munich của Đức để phối hợp với các phóng viên của báo Suddeutsche Zeitung.

Trong khi đó, quá trình chuyển giao dữ liệu rò rỉ vẫn tiếp tục. “Chúng tôi nhận được ngày càng nhiều hơn cho đến khi có trong tay 11,5 triệu tài liệu”, Ryle kể. Nhà báo Obermayer từ chối giải thích người bí mật đã gửi cho Suddeutsche Zeitung hàng trăm gigabyte, thậm chí terabyte thông tin bằng cách nào. Lượng dữ liệu đó quá lớn để có thể gửi qua email, cho dù chúng có thể được gửi một cách vô danh dưới dạng ổ cứng qua dịch vụ chuyển phát. “Tôi đã học được rất nhiều về cách chuyển giao các file dữ liệu lớn một cách an toàn”, Obermayer nói.

Các chuyên gia của ICIJ sau đó dùng kỹ thuật số để bảo vệ dữ liệu, mã hóa các email rồi chia sẻ với nhiều cơ quan báo chí trên thế giới. Hệ thống chat thời gian thực cũng được sử dụng để các phóng viên có thể trao đổi những gợi ý hoặc cách dịch tốt nhất cho những tài liệu được viết bằng nhiều ngôn ngữ mà họ không thể đọc. “Nếu muốn tìm hiểu những tài liệu về Brazil, bạn có thể tìm một phóng viên Brazil”, nhà báo Ryle giải thích. “Bạn có thể thấy ai đang thức, làm việc và liên lạc công khai. Chúng tôi khuyến khích mọi người nói cho nhau việc họ đang làm”, ông Ryles nói. Nhà báo này cho biết, các phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí cuối cùng đã gặp riêng nhau, tại Washington, Munich, London, Johannesburg và Lillehammer.

Dù cách làm cởi mở như vậy nhưng cơ sở dữ liệu đầy đủ vẫn chưa được công bố cho công chúng, một phần vì chúng quá lớn. Obermayer nói rằng, có nhiều tin đồn xung quanh số tài liệu này, nhưng các dữ liệu vẫn được bảo mật, ít nhất cho đến cuối tuần qua.

Sẽ không công bố hết

Nhà báo Ryle nói rằng, các cơ quan báo chí tham gia vụ này không có kế hoạch tung ra tất cả số tài liệu họ đang có như cách WikiLeaks làm, vì ông cho rằng việc đó sẽ phơi bày nhiều thông tin nhạy cảm về những cá nhân vô tội và nhiều nhân vật nổi tiếng. “Chúng tôi không phải WikiLeaks. Chúng tôi đang cố gắng chứng tỏ rằng nghề báo có thể làm một cách có trách nhiệm”, ông Ryle nói. Nhà báo này khuyên các phóng viên từ tất cả các cơ quan báo chí liên quan “có thể làm điều điên rồ”, nhưng cần quan tâm đến sự quan tâm và lợi ích của công chúng.

Vài tuần trước khi liên lạc với các chủ thể của cuộc điều tra, bao gồm Mossack Fonseca, phóng viên Obermayer làm việc thận trọng cuối cùng: phá hỏng điện thoại và ổ cứng của chiếc laptop mà ông đã dùng để liên lạc với nguồn tin. “Điều này có thể cẩn thận quá mức cần thiết. Nhưng còn hơn phải hối tiếc”, ông Obermayer nói.

Nhà báo này kể, ngay cả đến giờ, ông cũng không biết nguồn tin thực sự là ai. “Tôi không biết tên hay đặc điểm gì của người đó. Nhưng tôi biết tôi rất hiểu người đó. Trong một thời gian, tôi nói chuyện với người đó nhiều hơn với vợ tôi”, ông Obermayer kể.

Theo Theo Wired
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.