Hiểm họa Trung Quốc xây trạm quan trắc trên biển Đông

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: AMTI.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: AMTI.
TP - Trung Quốc đang xây dựng các trạm quan trắc trên biển Đông, trong đó có trạm trên bãi cạn gần bờ biển Philippines. Giới chuyên gia cho rằng, đây là bước đi nhằm từng bước hiện thực hóa một tam giác chiến lược, giúp Trung Quốc biến biển Đông thành ao nhà.

Báo Trung Quốc Hainan Daily (Nhật báo Hải Nam) vừa dẫn lời ông Xiao Jie, bí thư đảng ủy ở cái gọi là thành phố Tam Sa, nói rằng, các trạm quan trắc đang được xây dựng trên 6 đảo và bãi cạn, trong đó có bãi Scarborough chỉ cách bờ biển Phillippines 230km. Các trạm khác mà ông Xiao nhắc đến đang được xây trên các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Điểm nóng Scarborough

Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines sau một vụ căng thẳng năm 2012 và từ đó bao vây luôn khu vực nhiều cá này. Tháng 7 năm ngoái, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế kết luận rằng, không quốc gia nào có quyền chủ quyền đối với Scarborough, và tất cả các nước có chủ quyền chồng lấn đối với cấu trúc đá không có người ở này đều có quyền đánh bắt ở đó.

Bài báo về việc xây dựng trạm giám sát xuất hiện chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã vạch ra giới hạn đỏ đối với bất kỳ hoạt động cải tạo nào của Trung Quốc ở Scarborough. “Một khi Trung Quốc bắt đầu thăm dò, đặt giàn khoan ở đó, chúng tôi sẽ nói chuyện với họ”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana được báo chí dẫn lời nói về điều Tổng thống Duterte nói với ông. Không rõ bối cảnh của cuộc nói chuyện giữa hai người là gì, Reuters đưa tin. Ông Lorenzana tháng trước nói rằng, ông tin Bắc Kinh cuối cùng sẽ đòi bãi cạn này.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc muốn xây dựng cơ sở ở Scarborough để tạo nên tam giác chiến lược gồm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và các tiền đồn nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, từ đó giúp nước này đủ khả năng kiểm soát một vùng nhận dạng phòng không bao trùm cả biển Đông, nhằm biến vùng biển này thành ao nhà của mình. Tam giác chiến lược đó được cho là sẽ có tác động ghê gớm đối với cả Mỹ và Nhật Bản, có thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong quan hệ cường quốc khu vực. “Bãi Scarborough rõ ràng sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo”, Japan Times dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị, trợ lý giáo sư tại ĐH De La Salle ở Manila.

“Đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, chúng tôi hiểu rằng, họ quyết đưa bãi cạn tranh chấp này vào tam giác chiến lược trên biển Đông. Nhưng tôi nghĩ các lãnh đạo chính trị Trung Quốc vẫn chưa quyết định”, ông Heydarian nói. Nhà phân tích này cho rằng, sự lưỡng lự chính trị đó có thể do lo sợ phản ứng cứng rắn từ Mỹ và nguy cơ tạo ra tác động tiêu cực không mong muốn đối với quan hệ đang tốt lên với Tổng thống Duterte.

Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại ĐH Lĩnh Nam ở Hong Kong, cho rằng, bất kỳ hoạt động xây dựng quy mô lớn nào ở Scarborough sẽ gây “thách thức trực tiếp” đối với Mỹ và ông Duterte, nhưng điều đó có vẻ chưa rõ ràng. “Đây là một trạm giám sát môi trường. Vì thế, lúc này vẫn khó đánh giá tác động của nó”, ông Zhang nói. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng, ngay cả những động thái quy mô nhỏ ở Scarborough cũng là sự “thận trọng chiến lược” đối với Trung Quốc. “Trung Quốc coi trọng quan hệ tốt với chính quyền Donald Trump nhưng những hoạt động “hạn chế” như thế này trên bãi cạn Scarborough có thể dẫn đến leo thang trên biển Đông với Mỹ”, ông Zhang nói. 

Ông cũng cho rằng, Bắc Kinh có thể làm hỏng sự cải thiện quan hệ với Manila mà khó khăn lắm hai bên mới đạt được. “Ông Duterte muốn gác các tranh chấp ở đó, nên bất kỳ bước đi nào của Trung Quốc có thể dồn ông ấy vào góc. Ông ấy sẽ đối mặt áp lực trong nước phải phản ứng với những động thái mới của Trung Quốc”, ông Zhang nhận định. Nhà nghiên cứu này cho rằng, bước đi này của Trung Quốc không khôn ngoan, có thể gây ra những vấn đề lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, đe dọa lợi ích của Trung Quốc.

Mỹ đề xuất trừng phạt người Trung Quốc

Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Ben Cardin vừa đề xuất Đạo luật trừng phạt trên biển Đông và Hoa Đông, trong đó có biện pháp cấm cấp visa cho những người Trung Quốc góp phần vào các dự án phát triển xây dựng trên biển Đông và Hoa Đông. Đề xuất này cũng yêu cầu trừng phạt các tổ chức tài chính nước ngoài “cố ý thực hiện hoặc hỗ trợ giao dịch tài chính đáng kể cho các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt” nếu Trung Quốc gia tăng hoạt động trên bãi cạn Scarborough, AP đưa tin.

Phát biểu trong chuyến thăm Tokyo của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 16/3 nói rằng, chuyến thăm của ông Tillerson lần này nhấn mạnh thông điệp Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực và Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn, chia sẻ trách nhiệm hơn trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Còn Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với Nhật Bản vì những mục tiêu chung ở khu vực và toàn cầu, trong đó có việc hợp tác an ninh mạnh mẽ; khẳng định cách tiếp cận dựa trên luật lệ đối với vấn đề quản trị biển cũng như với vấn đề Triều Tiên. 

“Quan hệ đồng minh lâu năm của chúng tôi là để đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và tự do ở châu Á - Thái Bình Dương. Khi môi trường an ninh ở khu vực này bị thách thức, Mỹ cam kết tăng cường vai trò và hoan nghênh Nhật Bản cam kết gia tăng vai trò và trách nhiệm của họ trong quan hệ đồng minh”, ông Tillerson nói. “Chúng tôi chia sẻ quan ngại về tình hình trên biển Đông và chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Trong khi đó, quân đội Philippines vừa ngăn một nhóm nghị sĩ và quan chức an ninh ra thăm đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, Channel News Asia dẫn lời các quan chức quốc phòng Philippines. Thị Tứ nằm gần đá Xu Bi - một trong bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép rồi lắp đặt vũ khí, khí tài, trong đó có tên lửa đất đối không, trên đó.

Năm nghị sĩ thuộc Hạ viện Philippines định bay ra đảo Thị Tứ hôm 16/3, còn Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana và tướng quân đội Eduardo Ano định đi thăm ngày 17/3. Các nghị sĩ định đánh giá nhu cầu xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cộng đồng ngư dân Philippines khoảng 100 người. Quân đội thông báo, chuyến đi bị dừng vì “các vấn đề an toàn”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, ông Arsenio Andolong, nói rằng, hạ cánh xuống đường băng sau khi có mưa lớn là việc nguy hiểm. Tuy nhiên, Trung tướng Raul del Rosario, Tư lệnh Bộ chỉ huy Tây Philippines, nói rằng, lý do là lo ngại Trung Quốc phản ứng.

MỚI - NÓNG