“Hiệp sĩ vũ trụ” đổ bộ xuống “siêu hành tinh” ASEAN

“Hiệp sĩ vũ trụ” đổ bộ xuống “siêu hành tinh” ASEAN
Trong buổi trình diễn “văn nghệ nghiệp dư” truyền thống của các bộ trưởng, Bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov đã vào vai "Hiệp sĩ vũ trụ" trong màn kịch nhỏ dựa theo bộ phim đồ sộ “Chiến tranh giữa các vì sao”.     

Ai dám bảo nền chính trị lớn không có gì vui ? Cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên khối ASEAN với 6 quốc gia đối tác và tiếp ngay sau đó là hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao “ASEAN + Nga” diễn ra ở thủ đô Viêng Chăn, Lào hồi cuối tháng 7 vừa qua đã kết thúc bằng buổi trình diễn “văn nghệ nghiệp dư” truyền thống của các bộ trưởng.

Bộ trưởng ngoại giao Nga đã trình diễn một màn kịch nhỏ dựa theo bộ phim đồ sộ “Chiến tranh giữa các vì sao”.     

Trên sân khấu rực rỡ hoa hồng đỏ và hoa cúc vàng, Bộ trưởng Lavrov xuất hiện trong bộ trang phục “hiệp sĩ vũ trụ” phim “Chiến tranh giữa các vì sao” - chiếc áo choàng màu nâu bay phấp phới và thanh kiếm lazer sáng lấp lánh.

Bạn diễn của Bộ trưởng Lavrov là Vụ trưởng Vụ các nước ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Ivanov trong vai chỉ huy trưởng con tàu vũ trụ. “Hiệp sĩ vũ trụ” Lavrov cất giọng sang sảng hỏi Chỉ huy trưởng Ivanov xem tình hình hiện nay ra sao.

“Tôi có hai tin - một tin xấu và một tin tốt” - Chỉ huy trưởng con tàu vũ trụ trả lời – Tin xấu là chúng ta đã buộc phải hạ cánh xuống hành tinh châu Á. Tin tốt là tại thủ đô một nước trên hành tinh này đang diễn ra một hội nghị quan trọng của “ASEAN”.   

“Thế thì tuyệt! Ta hãy đến tham dự ngày hội đó và cùng vui chung với họ đi. Nhưng “ASEAN” là gì nhỉ ? – “Hiệp sĩ vũ trụ” hỏi.

“Đó là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất trên hành tinh này và còn được gọi là “siêu hành tinh” - Chỉ huy trưởng Ivanov đáp – “Siêu hành tinh” ASEAN có 10 vệ tinh, trong số đó có Trung Quốc, Mỹ, Nga, EC. Tất cả các vệ tinh đều đang ra sức lấy lòng “siêu hành tinh” đó.

Nhưng hóa ra “siêu hành tinh” không hề đơn giản, nó đã quyết định thành lập một câu lạc bộ mới là “Cộng đồng Đông Á”. Và giờ đây, các vệ tinh đều đang đua nhau tìm cách gia nhập câu lạc bộ này.

Một số người đề nghị ưu tiên số một của câu lạc bộ tương lai là quyền con người, một số khác lại đề nghị ưu tiên số một là đời sống con người. Nhưng vệ tinh Nga gõ cửa câu lạc bộ này với khẩu hiệu thoạt nghe thì khá bất thường “Hãy bảo đảm đời sống con người có đầy đủ quyền con người”.

Tiếp đó, hai nhà ngoại giao kiêm diễn viên Lavrov và Ivanov cùng trình diễn bằng tiếng Anh một khúc aria trong vở rock - opéra “Chúa Jesus là siêu sao”. Cả phòng vang dậy tiếng hoan hô. Cả hai “nghệ sĩ nghiệp dư” đều có vẻ hài lòng với ấn tượng gây được và rời khỏi sân khấu.

Những buổi “liên hoan văn nghệ” vui vẻ như vậy từ lâu đã trở thành truyền thống vào lúc kết thúc cuộc gặp gỡ hằng năm giữa bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN với các quốc gia đối tác. Và dường như trung tâm sự chú ý là cuộc “thi đua” thầm lặng giữa hai bộ trưởng ngoại giao Mỹ và Nga.

Trong cuộc gặp vào năm 1997 tại thủ đô Malaysia Kuala - Lampur, Bộ trưởng ngoại giao Nga Evgeni Primakov đã phải nhường cành nguyệt quế cho nữ Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Madlein Albright. Nhưng trong cuộc gặp vào năm tiếp theo tại thủ đô Manila, Philippines họ đã hòa giọng cùng nhau trên sân khấu.

Vào năm 2002 tại thủ đô Brunei, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Colin Powell xuất hiện trong bộ trang phục cowboy và trình diễn một ca khúc nói về Tổng thống George Bush, bạn ông. Trước đó, tại Việt Nam, ông Powell vào vai ca sĩ huyền thoại Presley và xuất hiện trên sân khấu cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov.

Riêng đối với đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thì đây cũng không phải lần đầu tiên ông trổ tài nghệ sĩ. Hồi năm ngoái, ông đã “ra mắt” lần đầu trong bộ trang phục một thủy thủ dũng cảm và trình diễn ca khúc “Yellow Submarine”.

Chỉ tiếc là năm nay nữ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condileeza Rice vắng mặt nên không thể xác định được ông Lavrov có “trên tài” nữ đồng nghiệp Mỹ hay không. 

Mặc dù những buổi “văn nghệ nghiệp dư” như vậy nhằm mục đích vui vẻ là chính nhưng hiển nhiên là không một vị bộ trưởng nào dám coi thường. Họ chuẩn bị kỹ lưỡng không kém gì chuẩn bị cho những cuộc hội đàm chính thức: Chẳng ai lại muốn bị “bẽ mặt” vì dù trên sân khấu thì họ vẫn đại diện cho đất nước của họ.

MỚI - NÓNG