Hiệp ước lịch sử về hạt nhân giữa Iran và P5+1

Hiệp ước lịch sử về hạt nhân giữa Iran và P5+1
TP - Sau 5 ngày đàm phán khó khăn tại Geneva, các cường quốc nhóm P5+1 và Iran đạt được một hiệp ước được đánh giá là “lịch sử” trong đêm 23 rạng ngày 24/11. Đứng giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và ngoại trưởng 6 nước nhóm P5+1, Trưởng phái đoàn ngoại giao châu Âu Catherine Ashton tuyên bố: “Chúng tôi đã đạt hiệp ước về kế hoạch hành động”.

> Nhóm 5+1 và Iran sắp đạt thỏa thuận hạt nhân?
> Mỹ và Israel rạn nứt vì Iran

Nhà Trắng thông báo, hiệp ước quy định Iran phải ngừng làm giàu uranium cấp độ trên 5% và chấm dứt lắp đặt thêm các máy ly tâm. Washington cho biết, Iran cam kết đình chỉ dự án lò phản ứng nước nặng Arak. Đổi lại, các cường quốc sẽ không áp đặt biện pháp trừng phạt mới trong vòng 6 tháng tới. P5+1 cũng hứa sẽ vô hiệu hóa số uranium làm giàu 20% của Iran.

Trong một tài liệu phát đi từ Nhà Trắng, Washington công bố chi tiết những hiệu ứng của việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt chống Iran. Liên quan nguồn thu nhập từ buôn bán kim loại quý, sản phẩm hóa dầu cũng như chế tạo ô tô của Iran, nước này sẽ có 1,5 tỷ USD. Nhà Trắng thông báo: “Chúng tôi sẽ cho phép chuyển 4,2 tỷ USD tiền bán dầu lửa nếu Iran tôn trọng các cam kết và khi hiệp ước được thực thi”.

Tuy nhiên, phát biểu trước các nhà báo sau cuộc đàm phán marathon, Ngoại trưởng Zarif nói rằng, hiệp ước bao gồm một “nội dung rõ ràng, theo đó việc làm giàu uranium vẫn tiếp tục” tại Iran. Đây là vấn đề lâu nay vẫn được xem là trở ngại chính trong các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Iran tuyên bố: “Quyền phát triển công nghệ hạt nhân là không thể tước bỏ. Cuộc chiến đấu mà chúng tôi tiến hành nhiều năm qua có mục tiêu là được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Chúng tôi nghĩ rằng, hiệp ước này và kế hoạch hành động có nghĩa là chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục”.

Trưởng phái đoàn đàm phán Iran Abbas Araghchi cũng khẳng định, chương trình làm giàu uranium của Iran đã được các cường quốc thừa nhận, nhưng không nói rõ quyền làm giàu hạt nhân có được nêu trong hiệp ước hay không.

Ngay sau phát biểu của ông Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng cải chính, nhấn mạnh hiệp ước Geneva không nói rằng Iran có quyền làm giàu uranium, đó chỉ là những bình luận suy diễn. Ông Kerry tuyên bố: “Iran đã chấp nhận ngừng làm giàu uranium cấp độ trên 5%. Iran cũng đã chấp nhận phá hủy hoặc chuyển đổi kho uranium làm giàu 20%”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama chúc mừng hiệp ước như bước đầu tiên quan trọng, nhưng nói thêm rằng Washington sẽ chấm dứt việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt và gia tăng áp lực sau 6 tháng nếu Teheran không tôn trọng các cam kết. Ông khẳng định hiệp ước đã ngăn Iran chế tạo bom hạt nhân.

Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định: “Một hiệp ước tồi tệ trao cho Iran chính xác những gì họ muốn: dỡ bỏ phần lớn biện pháp trừng phạt và duy trì một phần quan trọng chương trình hạt nhân của nước này”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ra thận trọng về hiệp ước “loại trừ mọi con đường dẫn đến vũ khí hạt nhân” của Iran. Ông Fabius nhận định hiệp ước Geneva mới thiết lập bước chủ yếu đầu tiên.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG