Hiệp ước mới EU không dễ thông qua

Hiệp ước mới EU không dễ thông qua
TP - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) gặp nhau tại một hội nghị cấp cao ở Brussels (Bỉ) để thảo luận một hiệp ước mới nhằm giúp cho Liên minh này hoạt động hiệu quả hơn.
Hiệp ước mới EU không dễ thông qua ảnh 1
Bà Merkel từ bỏ theo đuổi một Hiến pháp chung của Liên minh Châu Âu

Liên bang Đức- nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đã soạn thảo bản hiệp ước này. Trong đó, Berlin khuyến nghị những cuộc cải cách sâu rộng trong EU chứ không đề cập đến vấn đề hiến pháp của Liên minh nữa.

Sở dĩ phía Đức chỉ nêu vấn đề hiệp ước mới vì ý tưởng có một bản hiến pháp EU cách đây hai năm đã bị các cử tri Pháp và Hà Lan bác bỏ thẳng thừng trong các cuộc trưng cầu ý dân ở hai quốc gia này. Văn bản về hiệp ước mới do Đức soạn thảo lần này đã chấp nhận một số nhượng bộ đối với những quốc gia thành viên từng phản đối các nội dung cơ bản của dự thảo hiến pháp trước đây.

Mặc dù vậy, Ba Lan và Liên hiệp Anh vẫn cảnh báo rằng London và Vácsava có thể phải sử dụng quyền phủ quyết nếu họ không đưa được quan điểm của mình vào nội dung của bản hiệp ước mới.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso hôm 21/6 cho biết, bản dự thảo hiệp ước sửa đổi có lợi cho Liên hiệp Anh, cụ thể là London sẽ có nhiều phiếu hơn.

Ông Jose Manuel Barroso cho rằng bản dự thảo lần này rất tốt cho tất cả những quốc gia nào muốn thúc đẩy chương trình nghị sự của một châu Âu cởi mở, hiện đại và hiệu quả. Bản dự thảo hiệp ước mới không hề có ý định tạo ra một kiểu siêu nhà nước liên bang ở châu Âu. Ông cho biết, thực ra chưa có ai đưa ra ý tưởng về một siêu nhà nước liên bang.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh bà Magaret Beckett khẳng định rằng Liên hiệp Anh chỉ muốn một liên minh châu Âu của các quốc gia có chủ quyền chứ không muốn có một siêu nhà nước.

Hội nghị cấp cao EU sẽ ủy quyền cho một hội nghị liên chính phủ EU để thống nhất về từ ngữ một cách chính xác tên của bản hiệp ước mới sẽ thay thế cho bản dự thảo hiến pháp bị bác bỏ trước đây. Nếu lần này kế hoạch thông qua dự thảo hiệp ước thất bại, châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc mới giống như khi bản hiến pháp bị Pháp và Hà Lan bác bỏ hai năm trước.

Bản dự thảo do Đức đưa ra mang tên “Hiệp ước Cải cách”. Dự thảo nói rằng sẽ không có chuyện  EU chỉ có một Bộ trưởng Ngoại giao. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nước thành viên tham gia vào các chính sách chung của EU trong các lĩnh vực hình sự, cảnh sát.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất còn lại khiến Anh không mấy hào hứng là Đức vẫn tiếp tục ủng hộ cho ý tưởng cần có một Hiến chương ràng buộc về các quyền cơ bản của EU. 

London lâu nay vẫn sợ rằng nếu bản Hiến chương như vậy được thông qua, tòa án EU có thể can thiệp vào việc sửa đổi Luật Lao động của Anh. Phía Đức đã cố làm yên lòng London bằng cách đảm bảo rằng các tòa án EU sẽ không có quyền xem xét các chính sách đối ngoại.

Biết rõ Ba Lan là nước luôn phản đối cơ chế bầu cử trong EU nêu trong bản dự thảo hiến pháp trước đây nên lần này Đức đã chủ ý đưa ra một hệ thống bầu cử mới để cho các nước thành viên quyết định.

Về phía Ba Lan, mặc dù đã cảnh báo rằng Ba Lan có thể dùng quyền phủ quyết nhưng Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski cũng bóng gió cho biết Vácsava có thể sẽ thôi chống đối nếu bản dự thảo hiệp ước đảm bảo được tiếng nói mạnh trong việc ra quyết định của EU. 

Trong khi đó, Hà Lan đưa ra đề nghị hiệp ước cần nêu rõ việc thắt chặt các tiêu chí mở rộng thành viên EU. Điều này không làm vui lòng các quốc gia ở vùng Balkan đang hy vọng được kết nạp vào EU trong tương lai.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG