[HỒ SƠ] Hai người Trung Quốc mắc căn bệnh từng giết 30-60% dân số châu Âu

Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch. Ảnh: AP.
Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch. Ảnh: AP.
TPO - Ngành y tế Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau khi phát hiện hai người mắc bệnh dịch hạch – căn bệnh từng gây đại dịch “Cái chết đen” quét qua châu Á, châu Âu hồi thế kỷ 14, làm biến mất 30-60% dân số châu Âu.

Hai bệnh nhân dịch hạch quê ở khu tự trị Nội Mông, đang được điều trị ở quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Xinhua đưa tin hôm 13/11. Đây là loại bệnh lây lan mạnh và nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 1-3 ngày.

Bệnh nguy hại đã trở lại

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao và được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Chó, mèo có Yersinia pestis cũng có thể nhiễm bệnh cho người nuôi. Thậm chí, một nghiên cứu khoa học năm 2018 cho rằng, không chỉ có chuột, chấy rận ở người cũng có thể đã góp phần làm lây lan “Cái chết đen”, CNN đưa tin ngày 13/11.

Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).

Hai bệnh nhân Trung Quốc mắc bệnh ở thể phổi – thể bệnh có độc lực cao hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 24 giờ, Xinhua đưa tin.

Thời Trung Cổ, dịch hạch đã tàn phá châu Âu, giết chết 30-60% dân số châu Âu. Nhiều chuyên gia ước tính, giai đoạn 1348-1350, dịch hạch khiến khoảng 50 triệu người châu Âu thiệt mạng.

Từ khi con người chế ra được thuốc kháng sinh, dịch hạch không còn đáng sợ nhưng căn bệnh này không biến mất. Trên thực tế, gần đây bệnh này lại tái xuất, CNN đưa tin ngày 13/11.

Từ năm 2010 tới 2015, ít nhất 3.248 bệnh nhân dịch hạch được ghi nhận trên thế giới, trong đó có 584 ca tử vong, theo (WHO). WHO xác nhận Trung Quốc đã báo cáo tổ chức này về hai trường hợp mắc bệnh đến từ Nội Mông. Gần đây nhất, WHO ghi nhận bệnh dịch hạch ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Peru.

Theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ, nước Mỹ mỗi năm ghi nhận từ vài đến vài chục trường hợp dịch hạch. Năm 2015, hai người ở bang Colorado tử vong sau khi mắc bệnh.

Dịch hạch khiến xấp xỉ 50.000 người thiệt mạng trong 20 năm qua và hiện được WHO coi là bệnh tái xuất hiện.

[HỒ SƠ] Hai người Trung Quốc mắc căn bệnh từng giết 30-60% dân số châu Âu ảnh 1 Tranh minh họa bệnh nhân dịch hạch ở châu Âu thế kỷ 14. Nguồn: Livescience.

Cách phòng dịch

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam), thể hạch biểu hiện bằng phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.

Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hoá mủ. Thể hạch có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40 – 41 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 - 5 ngày.

Thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não thường là thứ phát. Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

Để phòng dịch, cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá huỷ nơi sinh sản của chuột, bọ chét, khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở. Các hiện tượng sốt, nổi hạch phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Để diệt chuột, có thể diệt đại trà bằng hoá chất chỉ khi chỉ số bọ chét tự do nhỏ hơn 1, diệt định kỳ hằng năm 1-2 lần vào thời gian sinh sản của chuột, thời gian cụ thể tuỳ từng địa phương. Kết hợp diệt chuột và bọ chét bằng việc sử dụng hộp mồi theo nguyên tắc hộp mồi "Kartman".
Khi có dịch hạch (ở chuột hoặc ở người), không diệt chuột đại trà, chỉ diệt khi chỉ số bọ chét thấp hơn 1 hoặc bằng 0 và tiến hành diệt bọ chét bằng hoá chất đặc hiệu ngay sau khi diệt chuột.

Để diệt chuột và bọ chét trên tàu biển, máy bay, ở sân bay, bến cảng, sử dụng biện pháp xông hơi hoá chất do các đội chuyên diệt chuột và côn trùng thực hiện theo quy định của Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế (biên giới). Về kiểm dịch y tế biên giới, phải báo cáo dịch khẩn cấp với cơ quan y tế cấp trên và Bộ Y tế, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Y tế.

[HỒ SƠ] Hai người Trung Quốc mắc căn bệnh từng giết 30-60% dân số châu Âu ảnh 2 Hình ảnh bọ chét phóng to. Nguồn: Wikipedia.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.