Học sinh Mỹ được học như thế nào về chiến tranh Việt Nam?- Kỳ cuối

Học sinh Mỹ được học như thế nào về chiến tranh Việt Nam?- Kỳ cuối
TP - Nixon luôn phải nỗ lực quyết liệt để đạt được những thành tựu trong cuộc đời. Điều đó khiến ông ta có nhận định rằng thế giới chỉ là một đấu trường trong đó chỉ có chiến thắng mới là điều đáng quan tâm.

Có vẻ như  ông ta nhìn nhận những người không cùng quan điểm không đơn giản chỉ là người bất đồng với ông mà là kẻ thù của ông. Những người này đe dọa đến quyền lực của ông và họ cần phải bị tiêu diệt.

Nixon cư xử nếu không nói như một Hoàng đế, thì cũng giống một hoàng tử. Ông ta mua một biệt thự giá 250.000USD ở Key Biscayne– Florida, và một biệt thự khác ở San Clemente– California mà ông ta phong cho cái tên là Nhà Trắng miền Tây.

Chính phủ của ông chi hết 10,5 triệu USD trong hai nhiệm kỳ, một phần trong số đó là để trang bị vũ khí và thiết bị an ninh, còn phần lớn là để sắm sửa đồ đạc và xây dựng cảnh trí. Mười sáu phi cơ và mười sáu máy bay trực thăng luôn phải túc trực để ông sử dụng. Quản gia, người hầu, đầu bếp, thợ làm vườn, lái xe của Nixon gồm cả trăm người.

Trong một lần trả lời báo chí, Nixon cho rằng: “Tổng thống phải khác người, ông ta phải có một phong cách đặc biệt. Bởi dân chúng muốn như vậy. Họ không muốn Tổng thống cũng tham gia vào đám đông và nói : Nhìn này, trông tôi cũng giống với các anh”. Thế nên, người ta luôn thấy ông thắt cà-vạt và mặc áo choàng. Và thậm chí bạn thân của ông ta cũng không được gọi tên của ông, mà phải trân trọng gọi là Mr.Nixon hoặc ngài Tổng thống.

Với thái độ xa lánh dân chúng kiểu đó, dưới thời đại của ông rất ít có những cuộc họp báo và các thông tin quan trọng thường không đến được với dân chúng Mỹ. Một ví dụ là Nixon đã không nói về việc ông cho ném bom Campuchia mãi đến khi việc này đã xảy ra được hơn một năm.

Nhiều người lo ngại rằng Tổng thống đã bao trùm những luật lệ của riêng ông lên Chính phủ.

Tháng 6/1969, Nixon tuyên bố kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”. Có nghĩa là sẽ từ từ rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và để miền Nam Việt Nam tự giải quyết cuộc chiến của họ. Cuối tháng 8/1969, nhóm 25.000 lính Mỹ đầu tiên trở về nhà. Thời điểm đó, ông tăng cường ném bom miền Bắc, và bí mật ném bom cả Lào và Campuchia.

Phong trào phản chiến tăng lên

Học sinh Mỹ được học như thế nào về chiến tranh Việt Nam?- Kỳ cuối ảnh 1

Ảnh đăng trang 719 với ghi chú : “Gia đình Nixon thăm Vạn lý trường thành. Chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 này đã đánh dấu một mốc chuyển biến quan trọng trong đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ”

Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh chỉ thành công một phần. Số lượng binh lính Mỹ trở về nhà ngày một tăng lên, nhưng chính quyền tham nhũng và kém hiệu quả của Nguyễn Văn Thiệu không thể tuyển được đủ quân để lấp vào khoảng trống đó.

Trong khi đó, các tổ chức phản chiến ở Mỹ ngày càng lớn mạnh. Ngày 15/5/1969 hàng trăm ngàn người Mỹ đeo băng đen trên tay áo đổ ra đường diễu hành.

Một cuộc xuống đường tương tự diễn ra vào ngày 15/10/1969. Rồi ngày 15/11/1969 tại Washington khoảng 40.000 người tham gia cuộc đi bộ “Phản đối sự chết chóc” , mỗi người cầm một tấm bảng có ghi tên một lính Mỹ chết ở Việt Nam.

Ông Nixon không chứng kiến các cuộc diễu hành này. Ngồi trong Nhà Trắng, ông bận xem trận bóng đá trên tivi. Ông ta cảm thấy việc rút quân khỏi Việt Nam một cách vô điều kiện là nhục nhã.

Và để có “Hòa bình trong danh dự” thì phải thông qua việc Việt Nam hóa chiến tranh. Một cuộc thăm dò dư luận Mỹ cho thấy 3/4 dân chúng Mỹ đồng tình với quan điểm này của Tổng thống.

Nhưng dần dần cách nhìn nhận của dân chúng Mỹ thay đổi. Tivi đã đưa hình ảnh về sự chết chóc và hủy hoại trực tiếp vào tận trong các gia đình người Mỹ. Báo chí đăng tải những sự kiện như lính Mỹ tàn sát cả một làng của người Việt ở Mỹ Lai.

Mùa xuân 1970, Nixon thông báo quân đội Mỹ đã xâm chiếm Campuchia để xóa sổ những địa điểm tiếp tế của Việt Cộng và Bắc Việt Nam. Dù cho binh lính đã rút khỏi đây vào tháng Sáu, nhưng phong trào phản chiến vẫn ngày càng sôi sục. Quốc hội có nghị quyết đòi việc ném bom Campuchia phải chấm dứt vào tháng Bảy.

Sinh viên đồng loạt biểu tình. Hơn 400 trường học đóng cửa. Từ ngày 9 đến 10/5/1970, khoảng 100.000 sinh viên  tập trung trước Nhà Trắng. Thoạt đầu, Nixon gọi họ là những kẻ lười biếng vô công rồi nghề.

Sau đó ông ta tìm cách trò chuyện với họ trong trật tự và thân thiện. Nhưng thay vì nói về chiến tranh, ông chỉ đề cập đến bóng đá và lướt sóng. Một tờ báo viết về sự kiện này : “ Hai người Mỹ gặp nhau và ông nói gà bà nói vịt”.

Việc thương lượng hòa bình vẫn được tiến hành ở Paris. Ngày 8/10/1972, sau khi đã kiên nhẫn thảo luận, Kissinger tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn với Bắc Việt Nam chuẩn bị được ký kết. Hòa bình trong tầm tay. Ngày 23/10, ông ta lại nói việc ký hiệp ước bị trì hoãn vì có những điểm cần làm sáng tỏ.

Có một lý do mà Nam Việt Nam không chấp thuận. Đến tháng 11, việc làm sáng tỏ này vẫn chưa hoàn tất, Nixon ra lệnh huy động tổng lực không quân Hoa Kỳ tấn công Bắc Việt Nam. Thật không may, hầu hết doanh trại, kho hàng, nhà máy là những điểm chính của cuộc tấn công đều được đặt ở khu dân cư đông đúc. Nhà cửa, trường học, bệnh viện bị phá hủy ngoài chủ định, tổn thất trong người dân cũng rất cao.

Trước sự việc đó, nhiều đại biểu Quốc hội trước đó từng ủng hộ Nixon cũng đã lên tiếng đòi nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Cuối cùng thì ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ cũng ký vào bản thỏa thuận này. Mỹ rút quân nhưng vẫn chi viện cho Nam Việt Nam. Còn Bắc Việt Nam thì thả tù binh Mỹ.

Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 46.000 binh lính Mỹ tử trận, 300.000 bị thương, tiêu tốn hết 137 tỷ USD. Một hậu quả vô hình khác là sự chia rẽ trong các gia đình Mỹ và cảm giác bứt rứt của người Mỹ.

Sự tôn trọng chính quyền liên bang cũng bị giảm sút bởi sự che đậy các hành động của họ trước dân chúng. Trong đầu người Mỹ đã xuất hiện cảm giác không muốn có bất cứ một trường hợp Việt Nam tương tự nào nữa, nhưng họ vẫn mơ hồ về việc  nước Mỹ có nên tiếp tục quan tâm đến những lục địa phía Tây bán cầu nữa hay không.

Một hệ quả của cuộc chiến này là sự hạn chế quyền hạn của Tổng thống trong chiến tranh. Tháng 11/1973, Quốc hội thông qua nghị quyết  Quyền hạn trong chiến tranh, nêu rõ: Tổng thống gửi quân đội ra nước ngoài phải giải trình với Quốc hội trong vòng 48 giờ. Quốc hội có thể ra quyết định rút quân trong vòng 60 ngày. Nixon phủ quyết nghị  quyết này, nhưng nó vẫn được thông qua mà không cần đến sự đồng ý của ông ta...

Thay lời kết 

Người bạn gửi tặng chúng tôi cuốn sách này là Nguyễn- kỹ sư cơ giới hạng nặng đang làm việc tại một thành phố nhỏ phía Nam nước Mỹ. Gần 30 năm trước anh đã từng trải những ngày tháng kinh hoàng của thân phận vượt biên trái phép.

Vài năm trở lại đây cuộc sống riêng ổn định, vợ chồng anh vẫn dành trọn những ngày cuối tuần làm việc thêm ngoài giờ để có thêm tiền gửi về hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước mà báo chí Việt Nam kêu gọi giúp đỡ, đồng thời chuẩn bị tỉ mỉ về một kế hoạch mở lớp dạy nghề cơ khí miễn phí cho trẻ nghèo sau ngày hồi hương.

Nguyễn tâm sự: Anh chỉ là một trong hàng triệu Việt kiều luôn tha thiết thương nhớ quê hương, ước mong được đóng góp thật nhiều cho đất nước.

---->> Kỳ trước

MỚI - NÓNG