Hội Cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam kiện CIA

Hội Cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam kiện CIA
TP - Nhiều tờ báo Mỹ đưa tin Hội Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (VVA) và sáu cựu binh vừa đệ đơn kiện Cục Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) vì không được quan tâm sau khi trở thành nạn nhân trong chương trình thí nghiệm tuyệt mật MKULTRA.
Hội Cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam kiện CIA ảnh 1
Cựu binh Muth (trái) và Frank. Ảnh: AP

Các cựu binh cho biết họ và những người khác bị đối xử như những chú chuột lang trong chương trình thí nghiệm tuyệt mật MKULTRA liên quan đến khí độc, đánh thuốc mê và kiểm soát suy nghĩ...

Vì không biết rõ tác hại, các cựu binh cùng thường dân Mỹ tình nguyện tham gia khiến thể xác, tinh thần của họ phải lãnh chịu hậu quả trong phần đời còn lại, nhưng lại không được hưởng sự chăm sóc sức khỏe nào.

Chương trình MKULTRA bắt đầu từ những năm 1950 tại cơ sở vũ khí hóa học nằm trong căn cứ quân sự Maryland và được tiếp tục tới năm 1976. 

Ngày 7/1, luật sư Gordon Erspamer đại diện cho các thân chủ là nạn nhân của MKULTRA đệ đơn lên toà án liên bang ở San Francisco kiện CIA, Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan liên quan khác. CIA được cho là đã bí mật cung cấp tài chính, nhân sự và định hướng cho các thí nghiệm tuyệt mật trên.

Các cựu binh trong chiến tranh Việt Nam mong chờ tòa án ra phán quyết rằng chương trình thí nghiệm trên vi phạm luật pháp quốc tế, buộc Chính phủ Mỹ phải thông báo và chăm sóc sức khỏe cho những người từng tham gia.

Theo hãng tin AP, Bloomberg, cựu binh Eric Muth, 60 tuổi, phát biểu trên báo chí Mỹ rằng đã tham gia chương trình thí nghiệm khí độc thần kinh, thuốc gây ảo giác năm 1958 và bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thường trực ý nghĩ tự tử.

Nguyên đơn Frank Rochelle, 68 tuổi, cho biết những người lính được thông báo sẽ được trả tiền khi tình nguyện tham gia chương trình thí nghiệm loại khí chống bạo động mới.

Trong cuộc họp báo tại San Francisco, ông Frank còn cho biết những người tình nguyện đã ký vào tờ khai theo mẫu và được khuyến cáo không bao giờ nhắc đến công việc tuyệt mật này.

Theo cựu binh Frank, ông đã dùng liều cao chất gây ảo giác và hiện vẫn mắc chứng mất ngủ, khó thở.

3.000 nạn nhân còn sống  

Luật sư Erspamer cho biết còn khoảng 3.000 nạn nhân trong chương trình thí nghiệm tuyệt mật MKULTRA vẫn còn sống. CIA và quân đội Mỹ bác bỏ trách nhiệm đối với các vấn đề sức khỏe của các nạn nhân nay đã ở tuổi 60 – 70.

Theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ, có 6.720 binh lính tham gia chương trình thí nghiệm MKULTRA liên quan tới 254 loại hóa chất khác nhau tại các phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ ở Edgewood Arsenal, gần Baltimore.

Theo đơn kiện lên tòa án, nhiều người khác đã tình nguyện tham gia các thí nghiệm tương tự tại những địa điểm khác. Quốc hội Mỹ chất vấn về chương trình MKULTRA năm 1974-75 khiến nó phải đóng cửa. Chỉ có một số gia đình của binh lính đã chết trong thời gian thí nghiệm được thông báo và được bồi thường. 

Năm 1988, quân đội Mỹ từng phải đồng ý chi trả 750.000 USD cho tám người Canada trong vụ kiện với cáo buộc rằng họ bị tổn thương thần kinh liên quan đến các thí nghiệm do CIA bảo trợ.

Tuy nhiên, cũng chính luật sư Erspamer từng thất bại trong vụ đại diện cho VVA kiện chống lại Bộ Cựu chiến binh Mỹ, đòi được chăm sóc sức khỏe để giảm tỷ lệ tự tử trong các cựu chiến binh.

Phát ngôn viên CIA, bà Marie Harf trả lời hãng tin Bloomberg: “Các hoạt động của CIA liên quan đến MKULTRA đã được điều tra kỹ lưỡng và CIA hợp tác đầy đủ với mỗi cuộc điều tra. Hàng ngàn trang tài liệu liên quan đến chương trình này đã được giải mật”.

Chủ tịch VVA John Rowan tuyên bố trên báo chí Mỹ: “Cách đây hơn 30 năm, chính phủ hứa sẽ xác định các nạn nhân của MKULTRA và quan tâm tới các yêu cầu của họ. Tuy nhiên, ngày nay rõ ràng chính phủ tỏ ra miễn cưỡng trong khi các nạn nhân đang chết dần trong im lặng. VVA không thể bỏ rơi các cựu chiến binh”.

MỚI - NÓNG