Hội nghị 6 bên: Không khí bi quan bao trùm

Hội nghị 6 bên: Không khí bi quan bao trùm
Ngày 2/8, Hội nghị  6 bên về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã kết thúc ngày làm việc thứ 8 mà không đạt được sự tiến bộ nào. Không khí bi quan và thất vọng bao trùm lên suốt thời gian thảo luận.
Hội nghị 6 bên: Không khí bi quan bao trùm ảnh 1
Trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan trả lời các nhà báo bên ngoài phòng họp

Trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan đánh giá: tình hình là tồi tệ. Các cuộc đàm phán đa phương không tiến triển, nhưng phía Bình Nhưỡng sẽ cố gắng hết sức để đạt được một thỏa thuận.

Ông Kim Kye Gwan trả lời các phóng viên bên ngoài phòng họp khẳng định rằng cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều giờ nhưng không có tiến bộ nào. Vẫn còn nhiều bất đồng và đối đầu trên một số vấn đề.

Trưởng đoàn Mỹ, Đại sứ Christopher Hill tỏ ra mệt mỏi và bực bội nói rằng với kết quả này phía Mỹ không biết cuộc hội đàm sẽ đi đến đâu. Ông tiết lộ cuộc đàm phán đã kéo dài 12 giờ đồng hồ mà không đạt kết quả nào.

Tuy nhiên ông Christopher Hill cho biết hiện vẫn còn nhiều bất đồng giữa một bên là CHDCND Triều Tiên và bên kia là 5 nước còn lại. Đại sứ Christopher Hill khẳng định đoàn Mỹ sẽ ở lại Bắc Kinh cho đến khi nào đạt được tiến bộ. Nhưng nếu cảm thấy không thể thì đoàn Mỹ sẽ lên đường về nước.

Trưởng đoàn Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Song Min Soon thì cho rằng các bên đều gần như là hết hy vọng. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobutaka Machimura nói với các nhà báo tại Tokyo rằng cuộc đàm phán  6 bên đã tập trung quá nhiều vào những từ ngữ của bản dự thảo thoả thuận nên đã không diễn ra suôn sẻ.

Ông cho biết CHDCND Triều Tiên tiếp tục phủ nhận việc Bình Nhưỡng có chương trình làm giàu uranium. Vì vậy cuộc đàm phán  6 bên vòng 4 sẽ phải kéo dài là điều chắc chắn.

Sau hơn một tuần đàm phán, bản dự thảo về tuyên bố nguyên tắc của Hội nghị đã được sửa lần thứ 3. Bản dự thảo lần 3 liệt kê mọi biện pháp về kinh tế và chính trị do từng nước đề nghị nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Các bên cam kết rằng CHDCND Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ về năng lượng, đảm bảo về an ninh, và cuối cùng là Washington sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Trong khi các nhà đàm phán tỏ ra bi quan, thất vọng thì các nhà bình luận quốc tế lại tỏ ra lạc quan. Giới bình luận cho rằng Bình Nhưỡng đang sử dụng chiến thuật làm căng đến phút chót nhằm đạt được sự nhượng bộ tối đa của các bên.

Giáo sư Ko Yu Hwan ở trường Đại học Dongguk của Hàn Quốc coi không khí bi quan bao trùm hội nghị lại là dấu hiệu cho thấy vòng đàm phán thứ 4 sắp đi đến kết quả. Theo giáo sư Ko Yu Hwan, bước đầu các bên chỉ nên đòi CHDCND Triều Tiên hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thôi, chưa nên đòi hỏi phải hủy bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

CHDCND Triều Tiên từ trước đến nay luôn đòi phải giải quyết vấn đề theo từng giai đoạn một trong khi đó phía Mỹ luôn gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng phải giải quyết cả gói một lúc.

Trong ngày đàm phán thứ 8, lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đứng trước sự đe dọa hạt nhân từ phía các căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Nhật Bản. Phía CHDCND Triều Tiên còn đòi Mỹ phải xem xét lại chính sách hạt nhân của mình.

Ngày 3/8 các trưởng đoàn lại tiếp tục thảo luận bản dự thảo thỏa thuận nguyên tắc đã được sửa đổi.

MỚI - NÓNG