Hội nghị cấp cao EU-Nhật: Nóng bỏng an ninh Đông Á

Hội nghị cấp cao EU-Nhật: Nóng bỏng an ninh Đông Á
TP - Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản thường niên lần thứ 15, bàn về nhiều vấn đề gồm quan hệ song phương, an ninh ở  Đông Á cũng như trên toàn cầu, vừa bế mạc tại Tokyo.
Hội nghị cấp cao EU-Nhật: Nóng bỏng an ninh Đông Á ảnh 1
Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi

Dự hội nghị phía Nhật Bản có Thủ tướng Junichiro Koizumi, phía EU có Chủ tịch ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso và Thủ tướng Áo Wofgang Schuessel. Áo hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU.

Tại hội nghị, các nguyên thủ quốc gia Nhật Bản và EU đã thúc giục Iran phải ngừng mọi hoạt động làm giầu uranium. Các nhà lãnh đạo EU, Nhật Bản cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran.

Các nhà lãnh đạo hai bên cho rằng việc làm của Tehran hiện nay là điều “cực kỳ đáng tiếc”. Thủ tướng Áo Schuessel cho biết hội nghị đã thảo luận sâu sắc vấn đề hạt nhân của Iran và đã đi tới thống nhất lập về trường và chiến lược của Nhật Bản và EU về vấn đề này.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và các nhà lãnh đạo EU cho biết hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề về an ninh ở khu vực Đông Á.

Phía Nhật Bản bày tỏ lo ngại trước việc EU có kế hoạch tháo dỡ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, sợ rằng điều đó sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự có thể dẫn đến đe dọa sự ổn định của khu vực. Hai bên thoả thuận sẽ tăng cường đối thoại chiến lược về môi trường và an ninh ở khu vực Đông Á.

Nhật Bản và EU trong bản tuyên bố chung sau hội nghị nói rằng hai bên hoan nghênh việc Trung Quốc tiếp tục quá trình cải cách và chính sách mở cửa nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải là một đối tác có trách nhiệm và mang tính xây dựng toàn cầu.

Phát biểu với các phóng viên trước khi khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết, EU coi thị trường khổng lồ Trung Quốc là một cơ hội lớn đối với thế thế giới.

EU áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc từ năm 1989. Thời gian qua, lãnh đạo một số nước lớn ở EU  như Pháp muốn dỡ bỏ cấm vận này để các nước châu Âu có thể xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc.

Điều này gây quan ngại cho Nhật Bản và một số nước khác về việc Trung Quốc vốn đã mạnh về quân sự nay lại còn mạnh hơn dễ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Các hãng tin từ Tokyo cho biết, ngoài ra hội nghị còn đề cập đến nhiều vấn đề toàn cầu khác như việc tái thiết Iraq, vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu, vấn đề môi trường cũng như việc kêu gọi nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

MỚI - NÓNG