Hội nghị tài chính G-20 bất đồng về tiền tệ

Hội nghị tài chính G-20 bất đồng về tiền tệ
TP - Ngày 31-3, Hội nghị không chính thức các bộ trưởng tài chính G-20 tổ chức ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc đạt được một thỏa thuận không chính thức về việc cần thiết để cho nhân dân tệ có vai trò lớn hơn trong nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, hội nghị vẫn bất đồng về chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc.

>> Estonia quyết định gia nhập Khu vực đồng Euro

Mỹ và Trung Quốc vẫn tranh cãi vấn đề liên quan tỷ giá USD và nhân dân tệ Ảnh: Sourcejuice
Mỹ và Trung Quốc vẫn tranh cãi vấn đề liên quan tỷ giá USD và nhân dân tệ. Ảnh: Sourcejuice.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde cho biết, sau một ngày làm việc, Hội nghị thỏa thuận rằng G-20 cần nghiên cứu việc đưa nhân dân tệ của Trung Quốc vào nhóm những đồng tiền được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng trong quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

IMF tạo ra đồng SDR để dùng thanh toán giữa các chính phủ thành viên. Bộ trưởng Lagarde cho biết, các bộ trưởng G-20 nói với những người bạn Trung Quốc rằng, ý tưởng đưa đồng nhân dân tệ vào nhóm tiền nói trên đã được nhất trí trên cơ sở có những điều kiện và lộ trình nhất định.

“Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc về vấn đề mở rộng giỏ tiền tệ”, bà nói. Cho đến nay, trong giỏ tiền tệ của IMF mới chỉ có các loại tiền mạnh như USD, yên Nhật, euro, bảng Anh.

Bà Lagarde nói rằng, do Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 lần này tổ chức ở Nam Kinh là hội nghị không chính thức nên sẽ không có thỏa thuận chính thức nào được ký kết. Tại hội nghị, không có đại biểu nào đưa ra gợi ý rằng, đồng USD sẽ được thay thế bằng đồng SDR.

Ý tưởng về việc dùng đồng SDR thay thế đồng USD trong thanh toán quốc tế được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến đầu tiên nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng USD trong thương mại cũng như trong dự trữ quốc tế. Bà Lagarde nói rằng, USD đã được công nhận là đồng tiền đã đóng vai trò thiết yếu và sẽ tiếp tục giữ vai trò này.

Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng tài chính G-20 cũng đạt được thỏa thuận về sự cần thiết phải cải cách IMF nhằm làm cho quỹ này đa dạng hơn, có nhiều đại diện hơn. Đây chính là điều mà Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển khác đòi hỏi từ lâu.

Bà Lagarde cho rằng, sự phối hợp hành động giữa những quốc gia trong một cuộc chơi có luật lệ chung là điều cần thiết để ngăn chặn các cuộc chiến tranh tiền tệ. Bên cạnh việc Hội nghị Tài chính G-20 tại Nam Kinh đạt được một số đồng thuận, bất đồng vẫn còn tồn tại giữa các bộ trưởng về vấn đề chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thúc giục Trung quốc đi đầu trong việc quốc tế hóa và kiểm soát chặt chẽ đồng nhân dân tệ.

Bắc Kinh đã kìm giữ, không để đồng nhân dân tệ lên giá từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm hỗ trợ ngành sản xuất hàng xuất khẩu trong nước sử dụng hàng triệu công nhân đang cạnh tranh với nước ngoài. Vài tháng trở lại đây, Bắc Kinh đã nới lỏng sự kiểm soát đó.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner không nêu thẳng tên Trung Quốc mà phát biểu trong một cuộc thảo luận kín rằng, sự kiểm soát như vậy đã góp phần gia tăng căng thẳng tài chính. Washington từ lâu phàn nàn việc Bắc Kinh giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo, giúp cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc có được lợi thế không chính đáng trên thị trường quốc tế.

Những cuộc thảo luận đã kết thúc mà không có tuyên bố công khai nào từ phía các quan chức Trung Quốc dự hội nghị. Trước khi vào thảo luận, các quan chức Trung Quốc đề nghị không đưa vấn đề tiền tệ Trung Quốc vào chương trình nghị sự. Trong bài diễn văn tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn chỉ nêu vấn đề cần phải thay đổi từ từ.

Trước khi diễn ra Hội nghị Nam Kinh, nhà kinh tế học nổi tiếng Xu Hongcai thuộc Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc có bài bình luận chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hành động vô trách nhiệm và không công bằng.

Bắc Kinh đã đầu tư hơn 800 tỷ USD trong tổng số 2.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này vào trái phiếu chính phủ Mỹ nên cảm thấy không yên tâm về sự ổn định của đồng USD. Trung Quốc cho rằng, FED đã cố tìm cách hạ thấp giá trị đồng USD vào thời điểm Bắc Kinh quyết định mua 600 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái.

Đ.P
Theo AP, Reuteters

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG