Hội nghị thượng đỉnh G20: Chia rẽ vì Syria

Hội nghị thượng đỉnh G20: Chia rẽ vì Syria
TP - Rạn nứt trong vấn đề Syria phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc ngày 5/9 tại Nga. Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống Syria.

> Mỹ 'xoay trục' khiến Nga-Trung thắm thiết
> Hội nghị thượng đỉnh G8: 'Nóng' vì Syria

Tổng thống Nga và Mỹ vẫn bất đồng về vấn đề Syria. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga và Mỹ vẫn bất đồng về vấn đề Syria. Ảnh: Getty Images.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố St. Petersburg là nơi các nhà lãnh đạo thế giới muốn tạo ra một mặt trận thống nhất vì tăng trưởng, thương mại, minh bạch ngân hàng, chống trốn thuế… G20 (chiếm 2/3 dân số và 90% sản lượng hàng hóa thế giới) đang bất đồng trước biến động của các thị trường mới nổi và quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, không có rạn nứt nào lớn bằng quan điểm xung khắc giữa lãnh đạo Mỹ và Nga trước khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria nhằm trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad vì vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 1.400 người thiệt mạng hôm 21/8 theo cáo buộc của Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bị cô lập trong vấn đề Syria tại cuộc họp của G8 hồi tháng 7, nhưng giờ Trung Quốc đã ủng hộ nhà lãnh đạo Nga tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

“Hành động quân sự sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu”, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao phát biểu tại cuộc họp trước khi bắt đầu phiên đối thoại của các nhà lãnh đạo G20.

Trước giờ khai mạc Hội nghị, Tổng thống Nga hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Hai bên bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như phối hợp chiến lược Nga-Trung trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Kinh tế toàn cầu tăng tốc từ năm sau

Ngày 6/9, các nhà lãnh đạo G20 có thể sẽ đạt được đồng thuận về biện pháp phòng chống các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế, về quy định của thị trường tài chính phái sinh toàn cầu (trị giá 630.000 tỷ USD) nhằm ngăn chặn nguy cơ bong bóng… IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc vào năm 2014.

Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên Tổng thống Mỹ Barack Obama khó lòng được Hội đồng chấp nhận cho tấn công Syria, các nhà phân tích nhận định.

Trong khi đó, Pháp đồng tình với hành động quân sự của Mỹ. “Quan điểm của Pháp là trừng phạt và thương lượng. Chúng tôi tin rằng, nếu ông Assad không bị trừng phạt thì sẽ không có thương lượng. Trừng phạt sẽ mở đường cho thương lượng, nhưng chắc chắn sẽ rất khó”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói với kênh truyền hình France 2 trước khi lên đường đến St. Petersburg.

Ngày 5/9, nhân Hội nghị thượng đỉnh G20, Giáo hoàng Francis gửi thư tới Tổng thống Nga Putin, kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới “từ bỏ theo đuổi giải pháp quân sự vô ích” ở Syria. “Tốt hơn là hãy tiếp tục cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán giữa các bên, bằng sự can đảm và quyết tâm, được cộng đồng quốc tế ủng hộ”, người đứng đầu Vatican viết.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho phép tấn công Syria

Với 10 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 4/9 (giờ Mỹ) thông qua nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama sử dụng vũ lực chống Syria, với lý do chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Nghị quyết sẽ được chuyển lên toàn thể Thượng viện Mỹ tuần tới để xin phê chuẩn, và sau đó được đưa đến Hạ viện - nơi có nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể phản đối.

Theo nghị quyết, Tổng thống Obama có quyền ra lệnh một cuộc tấn công có giới hạn nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria trong 60 ngày. Tổng thống Mỹ có quyền gia hạn thêm 30 ngày với một số điều kiện. Nghị quyết không cho phép sử dụng lực lượng trên bộ, và nói rõ rằng hành động quân sự chỉ nhằm mục đích “răn đe và ngăn không cho Syria thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học”.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ông Hagel nói rằng, chi phí cho một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Syria vào khoảng “vài chục triệu đô-la”. Ngoại trưởng Kerry cho biết, nhiều quốc gia Ảrập đã đề xuất trang trải chi phí cho bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của Mỹ.

Trước khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, Hải quân Nga đang xem xét điều chỉnh sự hiện diện ở phía đông Địa Trung Hải, “để có thể hành động”, Interfax hôm qua dẫn một nguồn tin quân sự Nga. Tàu do thám Priazovye và tàu tuần dương trang bị tên lửa Moskva đang trên đường tới đông Địa Trung Hải; Hai tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk và Minsk sẽ có mặt ở khu vực này ngày 6/9, theo Interfax. Trước đó, Nga đã triển khai tới vùng biển này một tàu chống ngầm, một tàu khu trục nhỏ và ba tàu đổ bộ.

Ngày 5/9, Tehran Times dẫn phát biểu của Chỉ huy lực lượng đặc biệt Quds trực thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran, tướng Qasem Soleimani, rằng Iran sẽ hỗ trợ Syria tới cùng. Tướng Soleimani nói Mỹ đã phải dùng tới nhiều thủ đoạn để lật đổ Tổng thống Assad, nhưng sẽ không thể đạt được bất cứ ý đồ nào ở Syria.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.