Hội nghị thượng đỉnh LHQ về cúm gà: Chiến lược nào cho đại dịch?

Hội nghị thượng đỉnh LHQ về cúm gà: Chiến lược nào cho đại dịch?
(TPO) - Các chuyên gia về y tế, thực phẩm và động vật thế giới sẽ nhóm họp trong tuần này để vạch ra một chiến lược toàn cầu: Đảm bảo virus cúm gà không thể lây lan từ người sang người.
Hội nghị thượng đỉnh LHQ về cúm gà: Chiến lược nào cho đại dịch? ảnh 1

Cho tới nay, có vẻ như virus cúm gia cầm vẫn chỉ mới lây từ gia cầm qua người. Tuy vậy, các chuyên gia y tế lo sợ rằng virus H5N1 có thể đột biến thành một dạng virus dễ dàng lây lan được từ người sang người, gây nên một đại dịch toàn cầu đe doạ mạng sống hàng chục triệu người.

Cuộc hội thảo sẽ kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay tại Kuala Lumpur, Malaysia,  do tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), Tổ chức thế giới về sức khoẻ động vật (WOAH) và tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng chủ trì.

"Chúng vẫn chưa kịp biến đổi nên chúng ta vẫn còn thời gian để hành động. Lúc này, việc cấp bách là phải giải quyết được nguyên nhân tận gốc của vấn đề: sự tiếp xúc giữa người với người và việc sản xuất, phân phối, xử lý và bày bán thực phẩm có nguồn gốc động vật", tuyên bố chung của 3 tổ chức khẳng định.

Bất cứ dòng virus cúm nào cũng có thể biến đổi gien và gây thành bệnh dịch. Nhưng dịch cúm gia cầm tại châu Á, đặc biệt là dòng virus H5N1, gây lo ngại bởi hệ thống miễn dịch của con người chưa bao giờ tiếp xúc với nó, và vì vậy, chưa có sức đề kháng.

Mục tiêu của hội thảo lần này là chỉ rõ những thực trạng trong quá trình sản xuất và buôn bán động vật sống tại châu Á, có thể đe doạ đến sức khoẻ con người, từ đó tìm ra các giải pháp từ quy định hiện hành để giảm thiểu hoá nguy cơ.

Một trong những nội dung quan trọng khác cần thảo luận là các phương pháp hiệu quả để tăng cường nhận thức cho người dân về những hành vi "có nguy cơ cao".

Tuần trước, WHO cảnh báo rằng những loài chim dại đang làm tổ tại tỉnh miền núi hẻo lánh Qinghai của Trung Quốc có thể mang theo mầm bệnh khi di trú về phương nam trong mùa hè này. Theo WHO, tính đến cuối tuần, tổng cộng 5000 con chim đã chết và chúng sẽ tiếp tục chết với tỷ lệ khoảng 20 con/ngày.

WHO yêu cầu Trung Quốc kiểm tra tất cả các gia cầm trong khu vực, xác minh đã có loài nào bị nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng hay không. Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện yeê cầu này nếu có sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

MỚI - NÓNG