Trung Quốc:

Hơn 10 tấn sứa giả tuồn ra các chợ thực phẩm

Cơ sở sản xuất sứa giả bị triệt phá. Ảnh: People.cn
Cơ sở sản xuất sứa giả bị triệt phá. Ảnh: People.cn
Cảnh sát Trung Quốc vừa triệt phá hai xưởng sản xuất sứa giả và ước tính hơn 10 tấn hàng có thể đã len lỏi vào các chợ thực phẩm địa phương, đến tay người tiêu dùng.

Cảnh sát thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra, cho biết ban đầu họ phát hiện một cơ sở do ông Yuan, người sản xuất và bán sứa giả tại chợ, điều hành.

Theo BBC, trong gần một năm đi vào hoạt động, cơ sở này lãi hơn 170.000 nhân dân tệ (26.000 USD) nhờ việc sản xuất hàng giả. Cảnh sát đã tịch thu hơn 150 kg sứa nhân tạo tại chợ.

Ông Yuan sau đó đã dẫn các nhà điều tra đến một xưởng chế biến lớn hơn tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, do ông Jia quản lý. Ông Jia là "thầy" đã dạy cho ông Yuan cách làm sứa giả. Tại đây, cảnh sát tịch thu thêm một tấn sứa. 

Trong vòng một năm, ông Jia và đồng bọn có khả năng sản xuất hơn 10 tấn sứa giả với lợi nhuận hơn 100.000 nhân dân tệ.

Các nghi phạm đều bị bắt giữ từ cuối tháng 4 nhưng tuần trước cảnh sát mới công bố thông tin trên.

Ông Yuan khai rằng sứa giả được làm bằng cách trộn lẫn 3 hóa chất là axit alginic, phèn amoni và canxi colorua khan. Thử nghiệm cho thấy chúng còn chứa một hàm lượng aluminium lên tới 800 mg/kg, gấp 8 lần giới hạn cho phép ở Trung Quốc. 

Ban an toàn thực phẩm thuộc cảnh sát Hồ Châu cho biết lượng aluminium lớn có thể gây tổn hại xương, thần kinh và trí nhớ, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, trẻ em và người già.

Hơn 10 tấn sứa giả tuồn ra các chợ thực phẩm ảnh 1

 Sứa giả (trái) và sứa thật. Ảnh: People.cn

Sứa đặc biệt phổ biến tại các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc. Dù có thể chứa độc nhưng chúng được người dân xem là một món ăn ngon và cung cấp nhiều collagen. Sứa thường được thái ra và trộn với các loại rau củ làm món salad. 

Dường như nguồn sứa tự nhiên không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Tại tỉnh Chiết Giang, các hộ nuôi sứa cho hay họ mất 40 ngày mới thu hoạch được nửa kg sứa với giá buôn ở mức 30 - 40 nhân dân tệ.

Bằng cách làm sứa giả, chi phí được giảm xuống một nửa bởi thời gian sản xuất ngắn hơn hẳn.

Cảnh sát đã ban hành hướng dẫn người dân phân biệt sứa thật và sứa giả. Sứa nhân tạo không vị, không mùi, dai và ăn vào như keo dính. Trong khi đó, sứa thật có mùi tanh, màu hơi vàng.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triệt phá các cơ sở chế biến sứa giả. Hồi tháng 11/2014, cảnh sát Hồ Châu bắt giữ 3 người bán sứa giả làm từ các hóa chất tương tự.

Hồi năm 2013, cảnh sát tỉnh Hồ Nam phá một cơ sở khác chế biến 40 tấn sứa giả. Kẻ cầm đầu lĩnh án 6 tháng tù.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG