Sóng thần Indonesia:

Hơn 1.000 người chết, bị thương và mất tích

Hơn 1.000 người chết, bị thương và mất tích
TP - Ít nhất 357 người chết, 601 người bị thương và khoảng 229 người vẫn còn mất tích ít có khả năng sống sót trong trận sóng thần tấn công vào phía Tây đảo Java (Indonesia) chiều 17/7.
Hơn 1.000 người chết, bị thương và mất tích ảnh 1

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter ngoài khơi Ấn Độ Dương đã tạo ra những đợt sóng thần cao 2 m – 3m tấn công hơn 6 quận khu vực bờ biển phía Tây đảo Java.

Không có hệ thống cảnh báo sớm nên hậu quả của đợt sóng thần này nằm ngoài dự báo của các nhà chức trách Indonesia.

Nhiều người dân sống sót cho biết họ thậm chí không nhận biết được trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra, nhưng một số có kinh nghiệm thấy trước nguy hiểm khi mực nước biển đột nhiên thấp xuống.

Những người này vừa chạy lên những vùng đất cao vừa hét “sóng thần” để cảnh báo cho những người khác. Chỉ nửa giờ sau, từng đợt sóng đen ngòm, cuốn theo thuyền, ôtô, xe máy, đồ gia dụng…ào qua các khu nghỉ mát ở ven biển và nhiều làng chài. Các ngôi nhà làm bằng gỗ đều bị phá hủy, trong khi nhiều nhà hàng khách sạn kiên cố cũng bị hư hỏng nặng.

Đợt sóng thần này dù chỉ cao 2 – 3m so với 10m trong thảm họa cuối năm 2004 khiến 220.000 người Indonesia và các nước quanh Ấn Độ Dương thiệt mạng. Tuy nhiên, sóng thần lần này cũng bất ngờ vào sâu bờ biển có chỗ lên tới gần 300 m – 500 m nên gây hậu quả rất lớn.

Số người thiệt mạng còn có cả khách du lịch Pakistan, Thụy Điển, Hà Lan… Khoảng 52.700 cư dân địa phương và hàng ngàn khách du lịch nước ngoài đã rời khỏi vùng bị sóng thần vì lo sợ thảm họa tiếp tục xảy ra.

Thiệt hại nặng nề nhất là ở khu vực nghỉ mát Pangandaran thuộc quận Ciamis, cách Jakarta 270 km về phía Đông Nam. Chỉ riêng khu vực này đã có khoảng 200 người chết, khoảng 100 người mất tích.

Hầu hết khách du lịch, người bán hàng rong, dân địa phương ở trên bãi biển hoặc ở trong nhà, khách sạn đều hoàn toàn bất ngờ khi những cơn sóng dữ dội bất ngờ ập tới, cuốn trôi và quăng quật mọi thứ.

Dân địa phương cho biết, số người thiệt mạng ở vùng Pangandaran chủ yếu là trẻ em vì buổi chiều chúng thường chơi bóng trên bãi biển.

Suốt ngày 18/7, các đội cứu hộ cùng những người sống sót tiếp tục đào bới trong các đống đổ nát với hy vọng phát hiện thêm người còn sống. Tuy nhiên, tối cùng ngày, cảnh sát và quan chức các địa phương đều cho biết, hy vọng những người mất tích sống sót là gần như không còn.

Đảo quốc Indonesia thường xuyên phải hứng chịu động đất, sóng thần. Ngoài thảm họa kinh hoàng cuối năm 2004, cách đây 7 tuần, khoảng 5.800 người Indonesia thiệt mạng trong trận động đất mạnh 5,9 độ richter.

Sóng thần chiều 17/7, thực ra đã được cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo cho Indonesia và Australia, nhưng tin tức không đến được vùng bị nạn vì hệ thống cảnh báo sớm vẫn chưa được lắp đặt ở đây.

Trước hậu quả khủng khiếp ở Indonesia, Malaysia dù ở cách tâm chấn của động đất 1.000 km cũng được cảnh báo để đề phòng sóng thần. Động đất ở Ấn Độ Dương cũng gây ra những đợt sóng dữ dội tấn công một số hòn đảo của Australia nhưng không có báo cáo về thiệt hại.

Heff Martin, 26 tuổi, người Thụy Sĩ đang làm việc cho 1 khách sạn trên đảo Java, kể: “Có những tiếng hét ngoài khách sạn nên 1 nhân viên chạy ra ngoài xem điều gì xảy ra. Anh ta quay vào và hét lên: Có sóng, nước biển đang dâng lên. Chúng tôi chạy thục mạng lên tầng 2 khi nước nhanh chóng tràn vào tầng 1. Chúng tôi ở đó chừng 5 phút rồi phải làm vỡ trần để trèo lên mái nhà”.

Cô Ita Anita đang chơi trên bãi biển cùng đứa con trai 11 tháng tuổi và những người hàng xóm, kể lại: “Chúng tôi nhìn thấy cột nước lớn, đen ngòm. Tôi bế vội con trai vừa chạy vừa ngoái lại nhìn. Nước phá hủy ngôi nhà của chúng tôi. Nó quật tôi xuống, con trai văng khỏi tay tôi và bị nước cuốn trôi”.

MỚI - NÓNG