Hơn 110 nhà báo thiệt mạng năm 2007

Hơn 110 nhà báo thiệt mạng năm 2007
TP - Tổ chức Chiến dịch Biểu tượng báo chí (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sĩ) vừa cho biết năm 2007 có ít nhất 110 nhà báo tại 27 quốc gia bị sát hại, so với 96 người năm 2006 và 68 người năm 2005.

Như vậy, số nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới đã tăng lên mức kỷ lục mới vào năm 2007, tăng 14% so với năm trước đó.

Theo PEC, 2/3 số nhà báo thiệt mạng năm 2007 là tại các vùng đang xảy ra xung đột như Iraq, Somalia, Sri Lanka, Afghanistan và Cộng hoà Dân chủ Congo.

Đây là năm thứ năm, Iraq tiếp tục “giữ” vị trí là vùng đất nguy hiểm nhất cho các nhà báo đến tác nghiệp. PEC cho biết, có 50 nhà báo thiệt mạng ở Iraq, tiếp đến là Somalia có 8 người và Srilanka với 7 người. Xung đột ở Afghanistan và Philippines cũng cướp đi sinh mạng của 4 nhà báo ở mỗi nước.

Ông Blaise Lempen, Tổng thư ký PEC, nói rằng kể từ khi Mỹ tấn công Iraq (3/2003) đến nay đã có hơn 250 nhà báo thiệt mạng tại Iraq.

Tổ chức PEC ra đời năm 2004 cho biết đã hoàn thành bản dự thảo hiệp định với các điều khoản nhằm bảo vệ cho nhà báo trên khắp thế giới và đã gửi nó tới đại diện của các nước thành viên Liên Hợp Quốc.

PEC hi vọng sẽ thiết lập được một nhóm làm việc không chính thức về hiệp định này vào năm tới và sẽ hướng tới những cuộc thảo luận chính thức.

Các tổ chức báo chí quốc tế có số liệu không thống nhất về số nhà báo thiệt mạng năm 2007. Theo Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) có trụ sở ở Brussels (Bỉ), năm 2007 có tới 175 nhà báo và nhân viên hỗ trợ thiệt mạng, riêng Iraq có 69 người.

Theo báo cáo của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-có trụ sở ở Pháp) vừa công bố, tính đến hết tháng 11/2007 có 106 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại 28 quốc gia, trong đó có 45 người ở Iraq.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại Mỹ, năm 2007 có 64 nhà báo thiệt mạng. CPJ cho biết 2007 là năm chết chóc nhất với các nhà báo trong 10 năm qua dựa vào thống kê của tổ chức này.  

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".