HRW đưa thông tin sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Học sinh Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, truy cập Internet tại phòng tin học của trường. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Học sinh Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, truy cập Internet tại phòng tin học của trường. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) và kênh truyền hình Al Jazeera vừa đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai sự thật và thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tự do ngôn luận và tự do Internet.

Bản phúc trình mới nhất của HRW ngày 19/6 và phóng sự phát trên kênh truyền hình Al Jazeera ngày 24/6 đã mô tả rằng "các blogger và các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam bị đe dọa và đánh đập." HRW còn liệt kê "36 vụ hành hung khác nhau từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017." 

Thực tế cho thấy những gì mà HRW và Al Jazeera đưa ra đều dựa trên những thông tin bịa đặt và không có cơ sở bởi cộng đồng quốc tế đã công nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. 

Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. 

Từ năm 2014-2016, hàng chục văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được thông qua nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Việt Nam đã tham gia Công ước Chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), chính thức là thành viên của 7/9 Công ước chủ chốt của Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) về quyền con người. 

Việt Nam tích cực thực hiện các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người như đang đảm nhận tốt vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015-2019; tham gia tích cực và có trách nhiệm tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR)... 

Những thành tựu quan trọng trong nỗ lực cải thiện quyền con người mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là minh chứng sống động cho điều đó. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 1.900 USD năm 2013 lên 2.215 USD năm 2016. Số người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng, 25,05% xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm cao, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển,...

Các tổ chức xã hội và người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. 

Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua đã chứng tỏ rằng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được bảo đảm không chỉ trong luật mà còn trong thực tế. Luật Báo chí 2016 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 là cơ sở để đảm bảo các quyền đó. 

Đặc biệt, Internet đang "phát triển như vũ bão" ở Việt Nam và Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong ASEAN.

Người dân sử dụng Internet để thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 52% dân số. Riêng số người sở hữu tài khoản Facebook cũng lên tới 35 triệu người, bằng 1/3 dân số, trong đó 21 triệu người truy cập hàng ngày thông qua thiết bị di động. 

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ Rajan Anandan đã khẳng định rằng: "Việt Nam là nước có thị trường Internet năng động nhất thế giới, thị trường duy nhất có số người dùng Internet nhiều hơn số người không dùng." 

Những con số trên là những sự thật sinh động nhất về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Việt Nam. Chẳng lẽ HRW và kênh truyền hình Al Jazeera lại không hiểu điều đó? Thậm chí, HRW và Al Jazeera còn tìm cách mập mờ "đánh tráo khái niệm" khi không phân biệt sự khác nhau giữa những người viết blog chân chính, lành mạnh với những đối tượng dùng blog và các trang mạng xã hội làm phương tiện để tuyên truyền chống phá Đảng, chống Nhà nước, xâm hại đến quyền lợi của nhân dân Việt Nam. 

Việt Nam kiên quyết xử lý những kẻ vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam không có ai bị xử lý vì viết blog hay viết báo, chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, mới bị xử lý nghiêm khắc. 

Những đối tượng bị bắt giữ và đưa ra xét xử thời gian qua đều lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải những bài viết có nội dung sai sự thật, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

Cần biết rằng các quốc gia có chủ quyền trên thế giới đều có luật xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống lại đất nước, làm trái pháp luật, kích động thù hận, bạo lực. 

Ngay các nhà quản lý Internet hay các trang mạng như Facebook, Twitter và YouTube cũng phải đưa ra các biện pháp kiểm soát những nội dung sai trái và giả mạo được đăng tải trên mạng… Thậm chí, Facebook từng bị chính quyền một số nước châu Âu như Áo, Pháp, Đức,... kiện và phải nộp phạt vì để lan truyền trên mạng những nội dung kích động thù hận và xuyên tạc sự thật. Lẽ nào HRW và kênh truyền hình Al Jazeera lại cho rằng "tự do ngôn luận" có nghĩa là có thể "đổi trắng thay đen," bóp méo và xuyên tạc sự thật? 

Việc nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người là sự thật không thể phủ nhận và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. HRW và kênh truyền hình Al Jazeera cần có cái nhìn khách quan và đúng đắn về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Theo Theo Vietnamplus
MỚI - NÓNG