HS Mỹ được học như thế nào về chiến tranh VN?

HS Mỹ được học như thế nào về chiến tranh VN?
TP - Dù được giúp đỡ về mọi mặt, chính quyền Diệm vẫn ngày càng bị phản đối và bị lật đổ bởi đảo chính quân sự chỉ một tháng trước khi Johnson nhậm chức tổng thống.

Kỳ I: Lý do để Mỹ nhảy vào Việt Nam

HS Mỹ được học như thế nào về chiến tranh VN? ảnh 1
“Những cuộc biểu tình chống đối sự tham gia của Mỹ vào Việt Nam ngày càng nhiều và quyết liệt”

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Johnson

Khi Johnson nhậm chức tổng thống, chính quyền mới ở miền Nam VN còn tệ hơn cả chính quyền cũ. Việc chia đất đai vẫn giậm chân tại chỗ, tham nhũng tăng mạnh. Tướng lĩnh chỉ lo tranh giành quyền lực. Sự ảnh hưởng của Việt cộng ngày càng mạnh mẽ và lực lượng này đã kiểm soát được 80% vùng nông thôn.

Thêm nữa, khoảng 30.000 người ở miền Bắc VN đã di chuyển vào miền Nam VN để kết hợp với lực lượng du kích Việt cộng ước khoảng 150.000 người.

Thời kỳ còn làm Phó tổng thống (cho Kennedy - ND), Johnson đã phản đối việc tham gia của Quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam. Đến khi làm Tổng thống, Johnson lại đối mặt với những khó khăn chính trị khác. Ông ta cũng sợ bị coi là một tổng thống yếu kém.

Hơn nữa, những người giúp việc gần gũi nhất trong chính quyền của ông như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mc Namara, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, Bộ trưởng Nội vụ Dean Rusk… khẳng định với Johnson rằng chỉ cần chịu khó đầu tư thêm cho quân đội tí nữa là sẽ giành được chiến thắng trước Việt cộng.

Sự kiện vịnh Bắc Bộ

Ngày 2/8/1964, phía Mỹ cho rằng tàu tuần tra của Bắc VN đã bắn ngư lôi vào chiến hạm Maddox ở vịnh Bắc Bộ. Hai  ngày sau, có thông báo tàu Maddox lại bị tấn công. Phía Hoa Kỳ thì chối không tham gia vào việc tấn công ở vịnh Bắc Bộ.

Còn phía Bắc VN cũng bảo rằng họ không có tấn công tàu chiến Mỹ vào ngày 4/8. Sau đó mấy năm, chính quyền Mỹ mới thừa nhận là họ có giúp tàu của Nam VN tấn công Bắc VN.

Ngày 7/8/1964, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cái gọi là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Bản nghị quyết bắt đầu rằng tổng thống có thể  “toàn quyền quyết định việc tổ chức chống lại các cuộc tấn công vào quân đội Hoa Kỳ và ngăn chặn nguy cơ bị tấn công”.

Tỉ lệ bỏ phiếu tại Nhà Trắng là 100%. Tại Thượng viện, chỉ có mỗi nghị sĩ Wayne Morse bỏ phiếu chống. Ông Morse, cũng giống như thượng nghị sỹ Robert A.Taft hồi năm 1950, cho rằng quyền hạn của Tổng thống  phải được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết này đã đánh dấu sự tham gia của tổng lực Quân đội Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam.

Cuộc chiến trên không

Đầu tháng 2/1965, Hoa Kỳ bắt đầu ném bom Bắc VN. Việc ném bom nhằm hai mục đích: Một là ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, hai là chứng tỏ cho Hà Nội thấy rằng họ không thể kháng cự được sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vì thế họ nên ký thỏa thuận với Nam VN.

Tổng thống đích thân chọn mục tiêu để ném bom. Năm 1967, khối lượng bom rải xuống VN mỗi tuần còn nhiều hơn khối lượng bom đã thả xuống nước Đức trong suốt Thế chiến II.

Thỉnh thoảng, Mỹ cũng dừng ném bom để thương lượng với Bắc VN. Đến tháng 4/1965, Johnson còn đồng ý chi 1 tỷ USD cho các nước Nam Á trong đó có cả Bắc VN nếu chiến tranh có thể kết thúc.

Nhưng Hà Nội luôn đưa ra một câu trả lời duy nhất: Việc thả bom phải ngừng vô điều kiện và lính Mỹ phải rút khỏi VN trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết.

Cuộc chiến trên mặt đất

Máy bay ném bom miền Bắc VN, còn tại miền Nam VN  lính Mỹ đổ bộ vào để trợ giúp quân đội Sài Gòn. Quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn cùng có chung mục đích là “tìm và diệt”.

Máy bay trực thăng sẽ đổ bộ quân lính vào các làng mạc bị nghi ngờ là ủng hộ Việt cộng hoặc bị Việt cộng chiếm đóng. Súng máy trong tay, đám lính tha hồ bắn bừa bãi vào các ngôi nhà, vật nuôi, và đốt cả làng thành tro.

Nhưng không được như ý, hầu hết nạn nhân của những cuộc càn quét lại là người già, phụ nữ và trẻ em. Thanh niên trai tráng đã lẩn trốn hết vào rừng.

Một hậu quả khác của những trận càn này là trên dưới 2 triệu trong tổng số 16 triệu dân nông thôn trở thành những người vô gia cư. Họ bị dồn ra đường, chen chúc trong trại tị nạn, hoặc lang thang lên thành phố. Họ cần lương thực, nơi trú ngụ, thuốc men, và điều đó càng làm cho cuộc chiến thêm phần tốn kém.

Nỗ lực tiêu diệt Việt cộng  còn phát sinh thêm một rắc rối khác. Trong  khi tìm kiếm cách tàn phá những khu rừng là nơi trú ngụ của Việt cộng, quân đội Mỹ đã rải một lượng khổng lồ loại thuốc độc làm rụng lá cây xuống các cánh rừng và làng mạc, hậu quả là 20% diện tích cây cối bị xóa sổ.

Năm 1967 trở về trước, miền Nam Việt Nam từng là nơi có sản lượng gạo xuất khẩu đáng kể, nhưng đến năm 1968, họ phải nhập khẩu gạo để tránh tình trạng nông dân bị chết đói hàng loạt do mất mùa.

Chất làm rụng lá cũng gây nên hiện tượng quái thai cho con em người Việt và con của những quân nhân Mỹ phục vụ tại cuộc chiến Việt Nam.

Ngoài ra, chất làm rụng lá còn gây nên các bệnh về gan, teo cơ  và nhiều loại bệnh khác cho những người tiếp xúc với nó.

Còn nữa.

Hoàng Thiên Nga - Võ Phụng Hoàng
Dịch và tổng hợp

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.