Hungary bị ví như Đức Quốc xã

Người di cư đang cố vượt qua hàng rào kẽm gai ở biên giới Hungary-Serbia. Ảnh: Samaa
Người di cư đang cố vượt qua hàng rào kẽm gai ở biên giới Hungary-Serbia. Ảnh: Samaa
TP - Hungary đang khẩn trương hoàn thành hàng rào dài 175km dọc biên giới với Serbia để ngăn người tị nạn. Biện pháp cứng rắn này bị lãnh đạo Áo ví với hành động của Đức quốc xã trong thời kỳ diệt chủng.

Hàng rào cao 4m nhằm ngăn dòng người tị nạn tràn vào Hungary mỗi đêm. Cảnh sát nước này cho biết, chỉ riêng hôm 12/9 đã có 4.330 người tị nạn bị bắt giữ, cao hơn hôm trước đó 700 người và nâng tổng số người đi qua nước này từ đầu năm đến nay lên 175.000. “Hàng rào cần phải xong trong hôm nay”, AP ngày 13/9 dẫn lời một cảnh sát Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban không hài lòng vì tiến độ dựng hàng rào đang bị chậm hơn kế hoạch. Tháng trước, Hungary hoàn thành đoạn tường rào đầu tiên, chồng thêm 3 lớp dây kẽm gai vì tường rào không có tác dụng nhiều trong việc ngăn người tị nạn tràn vào. Gần 4.000 binh lính đã được huy động để làm tường rào, thậm chí tù nhân cũng được đưa từ nhà tù gần đó đến để tham gia. “Ai cũng phải chuẩn bị để làm việc cực nhọc trong những tuần tới”, Thủ tướng Orban nói.

Cùng với Hy Lạp và Ý, Hungary đang trở thành tiền tuyến trong cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu vì dòng người di cư tìm cách đến Hy Lạp rồi sang Macedonia, vượt qua Serbia để đến biên giới Hungary. Quốc hội Hungary vừa thông qua hàng loạt luật mới cứng rắn hơn, có hiệu lực từ tuần này, cho phép trục xuất hoặc bỏ tù bất kỳ ai đi qua biên giới một cách trái phép. “Từ ngày 15/9, các luật mới sẽ thay đổi Hungary, nếu vượt biên trái phép, bạn sẽ bị bắt ngay lập tức”, ông Orban nói.

Cuối tháng này, Quốc hội Hungary cũng sẽ bỏ phiếu về việc tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát và quân đội, trong đó có việc trao quyền cho binh lính sử dụng vũ khí trong các tình huống khẩn cấp.

Hầu hết người tị nạn đều muốn đến Đức, nước đang mở cửa biên giới cho hàng chục ngàn người xin tị nạn. Dù vậy, chính quyền Hungary vẫn nỗ lực đưa những người này vào các trại để đăng ký. Việc này vấp phải sự chống đối quyết liệt; nhiều người di cư quyết không đăng ký mà đi bộ sang Áo.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Đức, Thủ tướng Áo Werner Faymann so sánh cách đối xử với người tị nạn của Hungary giống như việc Đức Quốc xã đuổi người Do Thái và những người khác khỏi các trại tập trung. “Việc nhốt người tị nạn trên tàu và đưa họ đến một nơi hoàn toàn khác so với mong muốn của họ khiến chúng ta nhớ lại chương đen tối nhất trong lịch sử châu lục này”, ông Faymann nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Orban cho rằng, Hungary chỉ đang thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật với tư cách thành viên của khu vực miễn hộ chiếu Schengen. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức, ông Orban đổ lỗi cho Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nới lỏng quy định về tị nạn khiến những người di cư “gây loạn” ở Hungary.

“Trước đây, chính quyền của chúng ta kiểm soát được tình hình, ngay cả những lúc khó khăn. Từ khi Đức thông báo nới lỏng quy định về tị nạn, hỗn loạn đã nổ ra”, ông Orban nói. “Dòng người di cư là vô tận: từ Pakistan, Mali, Ethiopia, Nigeria… Nếu họ đều đến đây, châu Âu sẽ đi xuống”, Thủ tướng Đức phát biểu, đồng thời cho rằng dòng người di cư cho thấy tương lai của châu Âu, nơi người Hồi giáo sẽ chiếm đa số.

Quá tải ở Đức

Ngày 13/9, cảnh sát thành phố Munich của Đức cảnh báo, Munich đã đạt tới giới hạn tiếp nhận người di cư, sau khi có đến 12.200 người xin tị nạn đặt chân đến thành phố, Reuters đưa tin. Munich là điểm tiếp nhận chính đối với những người vào Đức để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng thành phố này cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi ở cho người tị nạn. “Chúng tôi thiếu 1.000-5.000 chỗ”, thị trưởng Munich Dieter Reiter nói với báo Đức Sueddeutsche Zeitung.

Giới chức Munich đang cân nhắc tận dụng nhà thi đấu thể thao Olympiahalle từ thời Olympic 1972 để làm nơi ở tạm thời. Ông Dieter nhắc lại lời kêu gọi các vùng khác của Đức tiếp nhận thêm người di cư. Thủ tướng Angela Merkel vừa bảo vệ quyết định tiếp nhận lượng lớn người tị nạn là đúng. Ủy ban châu Âu tuần trước thông báo kế hoạch áp dụng hạn ngạch bắt buộc để 25 nước thành viên chia sẻ 120.000 người tị nạn. Hungary, CH Czech, Slovakia và Romania phản đối đề xuất. Thủ tướng CH Czech Bohuslav Sobotka hôm qua nhắc lại quan điểm của nước này.

Hàng chục ngàn người đã tham gia chiến dịch “ngày hành động” tại nhiều thành phố của châu Âu hôm 12/9 để ủng hộ người di cư.

MỚI - NÓNG