Hy Lạp bước vào giai đoạn chông gai mới

Hy Lạp bước vào giai đoạn chông gai mới
TP - Hy Lạp vừa đồng ý về nguyên tắc đối với thỏa thuận cứu trợ mà các chủ nợ châu Âu đặt ra. Giới quan sát cho rằng, quá trình thực hiện những điều kiện của gói cứu trợ còn nhọc nhằn hơn giai đoạn đàm phán.

Ủy ban châu Âu hôm qua thông báo đã đạt được thỏa thuận về kỹ thuật với Hy Lạp. Sau các cuộc đàm phán thâu đêm tại Athens, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos nói rằng, chỉ còn “hai hoặc ba vấn đề nhỏ” chưa được giải quyết. Thỏa thuận này rất cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và tránh vỡ nợ. BBC dẫn lời một quan chức Hy Lạp trước đó nói rằng, nước này đồng ý với các chủ nợ về chức năng của quỹ tư nhân hóa độc lập và cách thức quản lý các khoản nợ xấu của ngân hàng. Đây là hai vấn đề vướng mắc nhất trong các cuộc thương lượng từ trước đến nay.

Chính phủ Hy Lạp sẽ đưa thỏa thuận cứu trợ 86 tỷ euro trong 3 năm ra trước quốc hội trong tuần này. Athens cần một thỏa thuận vào thời hạn 20/8 tới để thanh toán khoản nợ khoảng 3 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu. Hy Lạp sẽ không thể trả khoản tiền này nếu không nhận được tiền từ gói cứu trợ mới và cũng là gói cứu trợ thứ ba mà nước này nhận được chỉ trong vòng 5 năm.

Bà Vicky Pryce, cố vấn kinh tế hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London, cho rằng, gói cứu trợ mới sẽ bị quốc hội Hy Lạp soi xét kỹ, vì phe cực tả trong đảng Syriza (thuộc liên minh cầm quyền) không hài lòng với những gì đang diễn ra. Theo bà, chính phủ Hy Lạp theo đường lối cực tả được bầu lên dựa trên những cam kết chống thắt lưng buộc bụng, nhưng cuối cùng cũng phải quay ngược đường khi các cuộc đàm phán cứu trợ suýt sụp đổ vào tháng trước, vì thế, việc đạt được thỏa thuận này được cho là một sự xuống nước mất mặt đối với Thủ tướng Alexis Tsipras.

Giới quan sát nhận định, bước tiếp theo sau khi đạt được thỏa thuận sẽ khó khăn hơn nhiều, khi Hy Lạp phải triển khai các biện pháp cải cách với điều kiện khó khăn, chặt chẽ hơn so với hai gói cứu trợ trước. Một vài điều kiện mấu chốt của thỏa thuận cứu trợ mới gồm: không cho phép nghỉ hưu sớm và tăng dần độ tuổi nghỉ hưu lên 67 vào năm 2022; tái cấp vốn cho các ngân hàng và quản lý những khoản nợ xấu; xét lại hệ thống phúc lợi xã hội nhằm cắt giảm chi tiêu; bỏ điều tiết thị trường khí đốt vào năm 2018; tư nhân hóa các cảng biển Piraeus và Thessaloniki; mở cửa các ngành nghề; tăng thuế vận tải biển…

Về điều kiện Hy Lạp phải đạt mục tiêu thặng dư ngân sách 0,5% năm 2016, 1,75% năm 2017 và 3,5% năm 2018, nhiều người cho rằng, mục tiêu này không khả thi, khi các số liệu thống kê cho thấy Hy Lạp sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2016, và sẽ chỉ tăng trưởng không đáng kể trong năm 2017. Nhiều chuyên gia cho rằng, những nước còn lại trong eurozone có lỗi khi không thừa nhận thực tế Hy Lạp cần được xóa nợ. Trong khi đó, tại Đức, thỏa thuận cứu trợ mới không được nhiều người ủng hộ. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble muốn Hy Lạp tạm rời eurozone và tái cấu trúc nợ, cho dù nhiều người nhận định, nếu Hy Lạp ra khỏi eurozone thì điều đó có thể sẽ là vĩnh viễn.

MỚI - NÓNG