Hy Lạp nhượng bộ để tránh vỡ nợ

Xếp hàng trước ATM ở tại Athens để rút tiền. Ảnh: Getty Images
Xếp hàng trước ATM ở tại Athens để rút tiền. Ảnh: Getty Images
TP - Thị trường chứng khoán khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và toàn cầu khởi sắc ngày 1/7 sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo của khối để nước này khỏi vỡ nợ, Reuters đưa tin.

Trước đó, Hy Lạp tuyên bố không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro đúng hạn vào ngày 30/6 và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ theo tuyên bố của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) sáng 1/7. Nhưng sau đó, ông Tsipras viết thư gửi tới các chủ nợ quốc tế, tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của gói cứu trợ tài chính được công bố ngày 28/6, với một số điều kiện đi kèm.

Athens đã chấp nhận hầu hết các điều khoản trong đề xuất cứu trợ do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng, có những thay đổi đáng kể. Theo Financial Times, trong thư, ông Tsipras đã yêu cầu giữ nguyên việc giảm trừ thuế giá trị gia tăng, hoãn tăng lương hưu cũng như hoãn việc giảm dần tiền trợ cấp cho những đối tượng đang thụ hưởng.

Người phát ngôn của Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính của eurozone (Eurogroup), Jeroen Dijsselbloem, cho biết các bộ trưởng tài chính của nhóm này sẽ nối lại các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Hy Lạp, sau khi từ chối yêu sách của Athens về gói cứu trợ tài chính có thời hạn 2 năm.

Theo Reuters, Đức, nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong eurozone, bày tỏ nghi ngờ về những diễn biến mới, trong khi tuyên bố rằng, cánh cửa vẫn mở cho các cuộc thương lượng. Giáo hoàng Francis đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu ra quyết định có trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Vatican ra thông cáo cho biết, Giáo hoàng lo ngại về những hậu quả xã hội của cuộc khủng hoảng và tác động của nó đối với các gia đình.

Theo Wall Street Journal, ngoài khoản vay vừa quá hạn với IMF, tháng 7 này, Hy Lạp sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ trái phiếu chính phủ, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu và IMF. Tổng số nợ đáo hạn là gần 7 tỷ euro. Thủ tướng Đức tuyên bố, sẽ không có bất cứ cuộc thương lượng nào trước ngày 5/7 và chỉ nối lại đàm phán sau khi Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với IMF.

Một cuộc thăm dò nhanh trước trưng cầu ý dân ngày 5/7 cho thấy, phần lớn người dân Hy Lạp ủng hộ Thủ tướng Tsipras (bỏ phiếu nói “không”, bác bỏ thắt lưng buộc bụng để đối lấy cứu trợ). Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh cuộc tỷ lệ Hy Lạp phải rời khỏi eurozone lên tới 85%.

Châu Âu lãnh đủ nếu Hy Lạp sụp đổ

Bloomberg đánh giá, khủng hoảng nợ Hy Lạp đang làm tê liệt việc hoạch định chính sách tại châu Âu, đe dọa công ăn việc làm và kéo giảm tăng trưởng kinh tế. Hy Lạp chỉ là một thị trường nhỏ với phần lớn các doanh nghiệp châu Âu, nhưng cuộc khủng hoảng đã khơi dậy vấn đề ổn định kinh tế của toàn eurozone. Hy Lạp sụp đổ sẽ lan rộng sự bất ổn, gây nhiều hậu quả với các nền kinh tế như Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

“Nguy cơ thực sự là khủng hoảng Hy Lạp sẽ châm ngòi sự lây nhiễm rộng lớn hơn cho khu vực eurozone và thị trường tài chính toàn cầu”, chuyên gia kinh tế Neil Shearing thuộc Capital Economics (Anh) nhận định. Khoảng 1.500 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị tài sản toàn cầu chỉ trong ngày 29/6, sau khi ông Tsipras kêu gọi trưng cầu ý dân.

Bloomberg đánh giá, châu Âu đối mặt một tuần đầy bi kịch hoặc lâu hơn thế, có thể đe dọa sự thống nhất của khối đồng tiền chung lớn nhất thế giới. Hai gói cứu trợ cho Hy Lạp gần đây có tổng giá trị 215,8 tỷ euro, bao gồm 183,8 tỷ euro từ các nước EU, phần còn lại là từ IMF.

Chưa kể các chi phí hỗ trợ hệ thống ngân hàng Hy Lạp của ECB, tổng nợ nước ngoài của Hy Lạp đã lên mức 316 tỷ euro. Hy Lạp còn nợ các ngân hàng tư nhân ở Đức, Pháp và Anh khoảng 30 tỷ euro nữa.

Theo tính toán của Giám đốc nghiên cứu kinh tế học tại Trường Quản trị IESEG (Pháp), Eric Dor, việc Hy Lạp tuyên bố không trả được nợ và rời eurozone sẽ khiến mỗi người dân Đức mất 699 euro, tương đương 56,5 tỷ euro cho cả nền kinh tế, còn với Pháp là 644 euro, tức tổng cộng 42,4 tỷ euro. Các nước EU khác như Ý sẽ tổn thất 37,3 tỷ euro, Tây Ban Nha 24,8 tỷ euro, Hà Lan 11,9 tỷ euro, Bỉ 7,2 tỷ euro, Áo 5,8 tỷ euro, Bồ Đào Nha 1,1 tỷ euro và Ireland 300 triệu euro…

Đồng tiền Việt có bị ảnh hưởng?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, nếu Hy Lạp rút khỏi eurozone thì đồng euro sẽ mất giá, và vị trí đồng đô la Mỹ sẽ tăng lên, gây áp lực lên tiền đồng. Khi đó, sức ép tăng giá tiền đồng sẽ tạo làn sóng đầu cơ gây ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. “Nếu thị trường ngoại hối bị tác động mạnh, sẽ gây ra đầu cơ; thị trường đô la Mỹ tự do sẽ biến động nhanh, tạo làn sóng đầu cơ ngoại tệ”, ông nói. Nếu thị trường ngoại tệ diễn biến mạnh, lập tức sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, và ngân hàng.

MỚI - NÓNG