Hy vọng vào hội nghị G20

Hội nghị G20 lần này diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc
Hội nghị G20 lần này diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc
TP - Hội nghị G20 tại Hàn Quốc lần này được hy vọng sẽ xem xét những vấn đề chưa được giải quyết như mạng an toàn tài chính toàn cầu, tái thiết hệ thống tài chính quốc tế…

Giới phân tích nhận định, hội nghị tại Seoul sẽ quyết định việc G20 có thay thế G7 hoặc G8 để trở thành hội đồng quốc tế lớn nhất hay không.

Hội nghị G20 lần này diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc
Hội nghị G20 lần này diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc .

Hàn Quốc cũng có mục tiêu riêng là mở rộng vai trò nước này trong quá trình biến đổi của kinh tế thế giới thông qua “Sáng kiến Hàn Quốc”, gồm vấn đề phát triển và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu - những vấn đề dựa trên kinh nghiệm phát triển kinh tế và ứng phó khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc.

Ngày 1-11, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đề xuất 4 chủ đề cho chương trình nghị sự của hội nghị, bao gồm tỷ giá hối đoái, an toàn tài chính, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và vấn đề phát triển.

Tổng thống Hàn Quốc nói ông hy vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ đi một bước xa hơn từ những thỏa thuận mà các Bộ trưởng Tài chính của nhóm đã đạt được tại Hội nghị ở thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) hồi tháng 10. Các thỏa thuận đó nhằm theo đuổi hệ thống tỷ giá do thị trường quyết định.

Một điểm đáng chú ý trong “Sáng kiến Hàn Quốc” là vấn đề phát triển mà nước chủ nhà cố gắng đưa vào trọng tâm các cuộc thảo luận. Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại những nước kém phát triển và giúp các nước này tự đứng trên đôi chân của mình.

Về phát triển đi kèm tăng trưởng kinh tế, ông Lee Myung-bak đề xuất kế hoạch hành động cần bao gồm những biện pháp đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của các nước này.

Theo ông, chỉ cho tiền viện trợ sẽ không giải quyết được các vấn đề về cơ cấu của những nước nghèo. Một trong những nhiệm vụ của G20 là thu hẹp khoảng cách tăng trưởng với phần còn lại của thế giới và đây là điều thiết yếu cho tăng trưởng toàn cầu bền vững.

Trong một diễn biến liên quan, trước thềm Hội nghị G20, ba tổ chức hàng đầu thế giới là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 4-11 cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi những đám mây đen của các áp lực bảo hộ ngày càng tăng.

Ba tổ chức này cho rằng, những áp lực bảo hộ được thúc đẩy do tỷ lệ thất nghiệp cao, những mất cân đối về kinh tế vĩ mô và căng thẳng xung quanh vấn đề tỷ giá hối đoái. Do đó, sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ lớn nếu các nước điều chỉnh đồng tiền của mình để theo đuổi lợi thế cạnh tranh dựa vào tỷ giá hối đoái. Từ đó, ba tổ chức hối thúc chính phủ các nước G20 giải quyết những nguy cơ này.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc) trong 2 ngày 11 và 12-11. Đây là hội nghị thứ 5 sau 4 hội nghị được tổ chức lần lượt ở Washington (Mỹ), London (Anh), Pittsburgh (Mỹ) và Toronto (Canada).

Thành lập năm 1999, G20 gồm các thành viên nhóm G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ), Liên minh châu Âu (EU) và 12 nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới: Argentina, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ảrập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

G20 chiếm 90% sản lượng kinh tế, 80% thương mại và 2/3 dân số toàn cầu. Năm nay, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị tại Toronto, Canada (tháng 6) và tại Seoul tới đây với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN. 

Đ.P
Theo chinhphu.vn

MỚI - NÓNG